Thực tế, mỗi người dành trung bình 1/3 thời gian cuộc đời để ngủ. Chỉ vậy cũng đủ khẳng định tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe con người. Thế nhưng bạn đã hiểu và thực hiện đúng chưa? Có thể bạn đang mắc phải một số bệnh lý liên quan đến giấc ngủ mà không hay biết. Hãy cùng bổ sung kiến thức về giấc ngủ ngay hôm nay.
Cơ thể làm gì khi chúng ta ngủ?
Đồng hồ sinh học của cơ thể từ 21 giờ – 9 giờ sáng hôm sau:
– Từ 21 – 23 giờ: Hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) đào thải chất độc. Cơ thể cần ở trạng thái thư giãn, yên tĩnh, hoạt động nhẹ nhàng.
– Từ 23 – 1 giờ sáng: Gan bài độc, tiến hành trong khi ngủ say.
– Từ 1 – 3 giờ sáng: Mật bài độc, tiến hành trong khi ngủ say.
– Từ 3 – 5 giờ sáng: Phổi bài độc, có thể gây ho dữ dội nhưng không nên dùng thuốc chống ho trong thời điểm này.
– Từ 5 – 7 giờ sáng: Ruột già bài độc, thời gian thích hợp để đi vệ sinh.
– Từ 7 – 9 giờ sáng: Ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng, cần ăn sáng đúng giờ.
Đồng hồ sinh học trong cơ thể đã được cài đặt cụ thể từng khung giờ. Nếu bạn không đi ngủ đúng giờ và thường xuyên sinh hoạt thiếu lành mạnh, nhịp điệu làm việc của cơ thể sẽ bị rối loạn. Một phần có dấu hiệu rõ rệt và bạn sẽ cảm nhận được ngay. Còn một phần sẽ âm thầm thiếu hụt dần dần và sẽ bộc phát nghiêm trọng vào một lúc nào đó.
Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe con người
► Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sức khỏe
Việc bạn ngủ không đúng giờ, không đủ giấc, không đảm bảo chất lượng nghĩa là các giai đoạn bài độc trên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý như mất ngủ, thiếu ngủ, bệnh đường tiêu hóa, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng nguy cơ ung thư, suy giảm trí nhớ,…
Đối với sức khỏe tinh thần, giấc ngủ là liều thuốc vô giá. Ngủ không đủ giấc khiến bạn luôn cảm thấy uể oải, thiếu sức sống, chẳng có động lực để làm gì cả. Đây là tiền đề dẫn đến căn bệnh trầm cảm.
► Tác động trực tiếp đến công việc và các mối quan hệ
Chỉ khi ngủ đủ giấc, bạn mới có thể đảm bảo được chất lượng công việc. Trạng thái tích cực sẽ giúp bạn truyền năng lượng cho mọi người và có những mối quan hệ tốt, lâu bền hơn.
► Ngủ muộn khiến da nhanh lão hóa
Ngủ muộn sẽ khiến cho quá trình giải độc cơ thể bị rối loạn. Chất độc tích tụ trong cơ thể gây nóng trong người, khiến da nổi mụn, sần sùi. Nếu bạn không đủ quan tâm đến giấc ngủ thì có dưỡng da bao nhiêu cũng vô dụng.
Đối với trẻ đang trong giai đoạn phát triển, chất lượng ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cơ thể. Đặc biệt là chiều cao và thể lực.
Thế nào là ngủ đúng và đủ giấc?
Bạn đã ngủ đúng và đủ giấc chưa?
Thời gian ngủ lý tưởng là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Người trưởng thành cần ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày. Một giấc ngủ tốt phải đảm bảo đủ về thời gian và cả chất lượng.
Chất lượng giấc ngủ sẽ phản ánh trực tiếp vào ngày hôm sau. Nếu ngủ đúng và đủ giấc, bạn sẽ thức dậy với cơ thể tràn đầy năng lượng. Ngược lại, bạn sẽ có cảm giác bắt buộc phải thức dậy. Toàn thân uể oải, không thoải mái và luôn ngáp, cảm thấy buồn ngủ suốt ngày.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ bạn cần chú ý những điều sau:
– Ngủ trong khung giờ lý tưởng.
– Không uống cà phê hay nước tăng lực khoảng 2 tiếng trước khi ngủ.
– Giải quyết nguyên nhân khiến bạn giật mình mỗi đêm. Ví dụ: bị thú cưng quấy rầy thì cần cho chúng ra khỏi phòng hay cho vào chuồng riêng.
– Nếu nghe nhạc hãy hẹn giờ tắt, không nên đeo tai nghe qua đêm.
– Khó ngủ, giật mình thường xuyên có thể do mất cân bằng nội tiết tố. Bạn nên đi khám chuyên khoa và điều trị sớm.
– Đầu tư gối, giường, nệm, chăn để đem lại cảm giác thoải mái nhất khi ngủ.
– Đi ngủ và thức dậy đúng giờ để tạo đồng hồ sinh học cho cơ thể.
Bây giờ thì bạn đã hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ rồi chứ? Đừng đọc xong rồi bỏ qua. Hãy nghiêm túc xem xét chất lượng giấc ngủ đã đạt chuẩn hay chưa. Nếu chưa thì phải khắc phục ngay. Đừng để lãng phí 1/3 thời gian cuộc đời nhé các bạn.
Theo https://aqualife.vn/