Bệnh sốt xuất huyết là bệnh cấp tính do muỗi truyền, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết như sau:
1. Không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và tích cực diệt lăng quăng:
- Đậy kín các vật dụng chứa nước khi không sử dụng để ngăn muỗi vào đẻ trứng.
- Thay nước, súc, cọ rửa vật dụng chứa nước, thay nước bình bông, lọ chưng cây phát tài,… hằng tuần.
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà có thể đọng nước như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thả cá bảy màu để cá có thể ăn lăng quăng trong các bồn nước, thùng nước, hồ chứa nước, hòn non bộ, bể cảnh.
- Ở các vỏ xe, hốc cây có thể đọng nước thì chúng ta đổ cát vào, chọc thủng các cuộn lá như lá chuối để nước không đọng lại được.
2. Tránh bị muỗi đốt:
- Ngủ màn, ngay cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, kem xua muỗi, hương muỗi, vợt muỗi để tiêu diệt và không để muỗi cắn.
- Dùng lưới cửa sổ ngăn muỗi, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Người bị sốt xuất huyết rất cẩn thận và để ý phải nằm màn để không bị muỗi cắn, từ đó phát tán bệnh.
3. Nếu nhà bạn nằm trong vùng được phun hóa chất diệt muỗi chống dịch sốt xuất huyết, bạn cần:
- Đậy kín đồ ăn, thức uống, bể cá cảnh, di chuyển các lồng chim, thú nuôi đến nơi khác.
- Mở cửa lớn khi máy phun đến nhà.
- Không đứng sát cửa sổ, không đi theo máy phun hóa chất.
4. Khi gia đình có người bị sốt xuất huyết, cần nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh vào báo ngay cho y tế địa phương.
|