Bí kíp chọn ngành học
Bạn đang trên con đường lựa chọn nghề nghiệp, và đang đau đầu vì sắp phải đưa ra quyết định cuối cùng nhưng lại đầy phân vân và lo lắng. Đây sẽ là một số tips hấp dẫn và bổ ích để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
1. Ưu tiên hàng đầu cho sở thích
Lựa chọn theo tiêu chí này mới là bền vững, mới là điểm mấu chốt giúp các bạn vượt qua những khó khăn trong bước đường sự nghiệp của mình. Bạn có yêu thích, có say mê bạn mới có nhiều động lực để dấn thân và theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, không nên quá bảo thủ, hãy lắng nghe ý kiến của người đi trước hay tham khảo các bài trắc nghiệm nghề nghiệp để biết mình có bị ngộ nhận hay không? Chẳng hạn, lý thuyết Holland (6 nhóm sở thích ứng với nghề nghiệp) về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm khá tốt. Tuổi trẻ thì thường suy nghĩ bồng bột, nay thích cái này, mai thích cái khác hãy bình tĩnh vì chúng ta còn rất nhiều tiêu chí phía sau.
2. Dựa vào năng lực
Năng lực là khả năng có thể theo học và làm được nghề. Các bạn có thể đánh giá năng lực của bản thân qua kết quả học tập trong thời gian học phổ thông. Bạn giỏi toán, bạn sẽ phù hợp với nhiều ngành nghề khác nhau từ: Kỹ sư cơ khí, kinh doanh đến kế toán, hay công nghệ thông tin. Bạn giỏi văn các ngành nghề thiên về viết lách sẽ phù hợp với bạn. Ngoài ra, cần phải lưu ý về ngành học cần kỹ năng gì và mình có đáp ứng được hay không?
3. Dựa vào hoàn cảnh gia đình
Chi phí cho việc du học không hề nhỏ. Vì thế, việc chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với khả năng tài chính là tiêu chí phải lưu ý trước tiên. Tự nhận biết khả năng và cân nhắc kỹ lưỡng để có sự đầu tư hiệu quả giúp các bạn thêm tự tin và kiên trì theo đuổi nghề nghiệp, biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ đến với các bạn.
4. Dựa vào nhu cầu xã hội
Việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội trước khi bắt tay vào học một ngành nào đó là việc cực kỳ quan trọng, điều đó quyết định tương lai của bạn về sau. Một công việc được cho là dễ xin chỉ khi xã hội đang cần, nhu cầu tuyển dụng cao hơn nguồn lao động hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ sớm bão hòa sau một thời gian không xa, vì có cầu ắt có cung, vì vậy một ngành được cho là “hot” hiện nay cũng không có gì đảm bảo là sẽ ổn định lâu dài. Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, ngành công nghệ thông tin được coi là “hot”, sinh viên đổ xô đi học, nhưng bây giờ thì sao? Ngành này vẫn rất cần, nhưng cần nhân lực có chọn lọc, có nghĩa anh phải thật giỏi, còn nếu chỉ “làng nhàng” thì thất nghiệp là cái chắc, chính vì vậy, việc chọn ngành quan trọng, chọn trường cũng quan trọng không kém. Sau thời kỳ bùng nổ của ngành tài chính ngân hàng, sinh viên ra trường ồ ạt, nhưng nay sinh viên tốt nghiệp ngành này lại rất khó khăn trong xin việc.
Theo quan điểm cá nhân của một số người, học quản trị kinh doanh vẫn là lựa chọn chính trong thời gian tới. Tốt nghiệp QTKD, sinh viên có thể làm ở rất nhiều vị trí vả lại kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.
Dựa trên ngành nghề đã lựa chọn xem ngành nghề đó thuộc lĩnh vực nào và có những nơi nào đào tạo ngành nghề đó. Hiện nay hầu hết các ngành nghề đều được đào tạo từ sơ cấp tới cao đẳng, đại học do đó trước khi lựa chọn trường cần xác định hệ đào tạo phù hợp với bản thân: học nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học. Sau khi xác định hệ đào tạo thì sẽ xác định lựa chọn trường đào tạo.
Lập danh sách các trường đào tạo theo hệ đã lựa chọn: Công lập, dân lập, điểm chuẩn, chỉ tiêu, uy tín, địa điểm, học phí, khối xét tuyển…
Trên đây là một số gợi mở để giúp các bạn có thể xác định đúng chuyên ngành mà mình sẽ học. Hy vọng các bạn sẽ có lựa chọn hợp lý và đúng đắn cho mình.
Nguồn: duhocsing.vn
(Mai Dung sưu tầm)