THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
ỨNG XỬ TRÁCH NHIỆM TRONG MÙA DỊCH
Cập nhật lúc: 27/04/2020
Giữa những ngày giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, chợt nhớ câu hát của người Quan họ “Yêu nhau đứng ở đằng xa/Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Câu hát chuẩn mực theo đúng nghĩa đen bởi mọi sự tôn trọng, yêu quý nhau lúc này là phải chủ động giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc, giảm tương tác trực tiếp để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhau.

Người dân giữ khoảng cách và sát khuẩn tay trước khi vào chợ Dâu (huyện Thuận Thành)
         Trong mùa dịch, không bất ngờ trước sự chuyển đổi về ý thức, hành vi giao tiếp của mọi người. Đó cũng là những ứng xử văn minh, phù hợp cho thấy trách nhiệm cá nhân với cộng đồng...

         Chỉ vì một chủng Sars-CoV-2 siêu vi vô hình không thể tri giác đột nhiên xuất hiện đã làm cuộc sống loài người khắp hành tinh chao đảo. Mọi giao lưu, kết nối xã hội bị gián đoạn. Ai cũng phải che chắn, hạn chế giao tiếp và tương tác với xung quanh. Hình ảnh phổ biến của thế giới hôm nay là những mặt người được che bởi những chiếc khẩu trang đồng dạng. Hàng trăm quốc gia cấp tập thiết lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Ở tâm dịch, “những người hùng thầm lặng” phải bọc mình trong bộ đồ bảo hộ như phi hành gia bước vào một tinh cầu không trọng lực...

Không chỉ vậy, những gì thuộc về bản sắc văn hóa, nét đẹp vùng miền, tâm tính quốc gia, mạch nguồn cảm hứng gắn kết như nụ hôn kiểu Pháp, cái bắt tay kiểu Ý, nụ cười thân thiện Việt Nam, sự mực thước, khiêm cung của người Nhật... tất cả đều đang phải tiết chế, che chắn và thay bằng khoảng cách, sự ly gián, cách biệt xã hội. Phép lịch sự trong giao tiếp ở thời điểm hiện nay không còn là những cái bắt tay thật chặt hay những cái ôm nồng nhiệt, cũng chẳng phải nụ cười rạng rỡ hay sự xởi lởi “tay bắt mặt mừng”... Giờ đây, thay vì những cử chỉ xã giao truyền thống thì thương nhau, yêu quý nhau là phải chủ động giữ khoảng cách. Xa nhau chính là yêu thương, là có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Suốt nhiều ngày qua, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, nhiều người, nhiều gia đình đã tự giác thay đổi thói quen sinh hoạt, có cách hành xử văn minh, phù hợp với quy định để chống dịch. Thói quen tụ tập chuyện trò, hẹn hò giao lưu, tiệc tùng quán xá, rủ nhau đi bộ, chơi cờ, chơi thể thao... dần vắng bóng trong cuộc sống. Tiệc cưới thay bằng hình thức báo hỉ; việc hiếu giản tiện, văn minh; giỗ chạp, hội hè cũng được giữ trọn trong tâm thức, không ồn ã, phô trương. Người dân tại các khu chung cư rửa tay trước khi vào thang máy, không nói chuyện, cười đùa, không nghe điện thoại trong thang máy, giữ gìn vệ sinh chung… Từ công sở đến các khu dân cư, chợ dân sinh đến các siêu thị đều nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội. Ở nhà chống dịch khiến thói quen, nếp sinh hoạt của mọi người cũng thay đổi. Tuy ít nhiều gây xáo trộn cuộc sống và tất nhiên không tránh khỏi những tâm tư, buồn nản song mọi người từ già đến trẻ đều tự giác chấp hành. Đó chính là biểu hiện của lối sống văn hóa, của sự thích ứng văn minh.

Không một ai mong muốn dịch bệnh xảy ra nhưng chính trong cảnh huống ngặt nghèo này lại là cơ hội để con người sống chậm lại, soi chiếu bản thân và chọn cách đối mặt với khó khăn, thử thách. Dịch Covid-19 cho chúng ta những bài học sâu sắc về văn hóa ứng xử. Đầu tiên là ứng xử với chính bản thân mình. Như đã thấy, con siêu vi Covid không phân biệt kẻ giàu người nghèo, kẻ yếu người mạnh hay sắc tộc, màu da, đảng phái, ngôn ngữ, vùng miền khí hậu... Cả thế giới đang đối mặt với kẻ thù chung là Sars-CoV-2 và số phận của con người trên địa cầu này đều bình đẳng như nhau, vì thế đừng quá thờ ơ, coi dịch bệnh ở đâu xa xôi không liên quan đến mình mà cần bảo vệ, chăm sóc tốt bản thân về cả thể lực lẫn tinh thần để an toàn, lạc quan đi qua mùa dịch.

Phát tặng khẩu trang miễn phí - một ứng xử trách nhiệm với cộng đồng trong mùa dịch.

Một bài học khác mà chúng ta nhận được từ cơn họa này là cách ứng xử với cộng đồng. Học được cách san sẻ khẩu trang, thực phẩm và không lao vào cuộc chạy đua tích trữ trong lúc mọi người xung quanh đều đang rất cần. Thay vì thái độ kì thị, ghẻ lạnh, chúng ta cũng học được cách nhắc nhở nhau mở lòng bao dung, cảm thông cho những người dương tính với Covid-19 bởi họ cũng chỉ là nạn nhân của dịch bệnh. Văn hóa người Việt vốn đoàn kết, đùm bọc, tương trợ nhau trong hoạn nạn vì thế dù đất nước chưa thật giàu, nền y học chưa phải là tiên tiến nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực làm mọi cách tốt nhất có thể để kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau dù có phải hi sinh các lợi ích kinh tế. Những ứng xử đúng đắn, kịp thời, nghĩa tình, trách nhiệm của dân tộc ta đã được cộng đồng quốc tế cảm phục, đánh giá cao và rất đáng để thế giới suy ngẫm...

Đại dịch Covid-19 còn dạy chúng ta bài học về ứng xử với thông tin. Không chỉ bây giờ mà sau này khi dịch qua đi, mỗi khi nhấp chuột vào một đường link nào đó cần điềm tĩnh, tỉnh táo cân nhắc, biết hoài nghi tích cực để chọn lọc và kiểm chứng thông tin, tránh gặp phải tin giả, sai sự thật dẫn đến những hậu quả khôn lường khác.

Ứng xử văn hóa, đoàn kết chung sức chống dịch với tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái và sự điềm tĩnh cũng là một loại “kháng thể tinh thần” quan trọng để chúng ta sớm vượt qua hiểm họa, chiến thắng “giặc” Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, mạnh khỏe, an toàn và hạnh phúc.

Theo http://baobacninh.com.vn/

 

           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn