THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Hội thảo chuyên đề cấp tổ môn Sinh học 10: NH: 2019-2020
Cập nhật lúc: 05/11/2019
 
 

CHUYÊN ĐỀ

Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức chương I. Thành phần hóa học của tế bào môn Sinh học 10 giúp học sinh làm tốt các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết.

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên chương trình sinh học phổ thông, có lẻ học sinh sợ nhất là môn Sinh học vì Sinh học là môn học rất trừu tượng và nặng về lý thuyết, khó nhớ mang tính thực tiễn cao gắn liền với việc giải thích các hiện tượng thực tế, đòi hỏi người học phải tư duy, sáng tạo mới đáp ứng được nội dung kiến thức của đề thi hiện nay. Mặt khác, trong bài thi môn Sinh có rất nhiều câu hỏi lý thuyết mà những câu hỏi lý thuyết không phải là học thuộc lòng là trả lời đúng mà cần phải hiểu về bản chất nếu không rất dễ bị các câu hỏi “đánh lừa”. Thực tế dạy học cho thấy một số em học tập bộ môn rất chăm chỉ nhưng kết quả vẫn thấp vì các em không chắc về kiến thức học phần trước thì quên phần sau, học phần mới quên phần cũ. Vì vậy việc rèn luyện, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập có hiệu quả là điều cần thiết nhất.

Từ thực trạng nêu trên tôi đã mạnh dạn viết chuyên đề “Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức chương I. Thành phần hóa học của tế bào môn Sinh học 10 giúp học sinh làm tốt các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết” với mục đích chia sẽ với đồng nghiệp trong giảng dạy nhằm giúp các em có được những kỹ năng cần thiết khi làm các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết môn Sinh học nói chung và chương I. Thành phần hóa học của tế bào (sinh học 10) nói riêng.

B. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY

I. Mục đích của chuyên đề

    - Sơ đồ tư duy là phương tiện dạy học giúp giáo viên và học sinh trong việc tóm tắt, hệ thống hóa kiến thức của một bài học hay chuyên đề kiến thức một cách rõ ràng.

- Giúp học sinh phát triển tư duy, sáng tạo, gây hứng thú học tập, từ đó khắc sâu được kiến thức đã học.

- Giúp các em hiểu một cách sâu sắc hơn về khả năng ghi nhớ của bản thân, đồng thời tìm ra phương pháp dạy và học thích hợp với hình thức thi trắc nghiệm hiện nay.

- Giúp học sinh không chỉ nắm thông tin nhanh mà còn khái quát được cấu trúc tổng thể của một chủ đề và các ý trọng tâm của chuyên đề.

- Giúp người dạy và người học tiết kiệm thời gian ôn tập kiến thức và ghi nhớ kiến thức lâu hơn; biết đâu là kiến thức trọng tâm, kiến thức mở rộng để khi gặp những câu hỏi trắc nghiệm cần phải tư duy thì các em dễ dàng giải quyết.

- Góp phần nâng cao chất lượng dạy học bô môn cuối năm cũng như nâng cao chất lượng ôn thi THPT Quốc Gia.

II. Nội dung các bước thực hiện chuyên đề:

1. Cơ sở lý luận:

Theo Tony Buzan, người đầu tiên tìm hiểu và sáng tạo ra sơ đồ tư duy thì: sơ đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh, từ khóa để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Ở giữa sơ đồ là một ý tưởng hay một hình ảnh trung tâm. Ý tưởng hay hình ảnh trung tâm này sẽ được phát triển bằng các nhánh tượng trưng cho các ý chính và đều được nối với các ý trung tâm. Với phương thức tiến dần từ trung tâm ra xung quanh, sơ đồ tư duy khiến tư duy con người cũng phải hoạt động tương tự.

Sơ đồ tư duy là một phương pháp tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, tổng hợp hay phân tích một vấn đề thành một dạng của sơ đồ phân

nhánh. Phương pháp này khái quát khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ kiện lại với nhau, dùng các đường kẻ các biểu tượng, từ ngữ và hình ảnh theo các quy tắc đơn giản và dễ hiểu.

 Với lượng kiến thức phong phú, với nhiều quá trình và cơ chế như môn Sinh học, để học sinh có thể hiểu rõ và ghi nhớ được toàn bộ thì việc hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ sẽ giúp học sinh nhìn được tổng thể kiến thức một cách ngắn gọn nhưng khá đầy đủ.

2. Các bước để lập một sơ đồ tư duy:

- Đọc kỹ và hiểu rõ tất cả các kiến thức của một bài hay một chuyên đề muốn hệ thống hóa.

- Xây dựng được bố cục của chuyên đề kiến thức, rồi chọn từ khóa trung tâm để khai triển kiến thức.

- Xác định nhánh chính, nhánh phụ cho phù hợp với chuyên đề kiến thức.

- Có thể bổ sung thêm những kiến thức mở rộng không có trong sách giáo khoa giúp học sinh hiểu rõ bản chất của vấn đề để giải quyết tốt những câu trắc nghiệm mở rộng đòi hỏi phải tư duy và có liên quan đến các hiện tượng thực tế.

3. Các bước tiến hành một tiết ôn tập, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy để giúp học sinh làm tốt các câu trắc nghiệm lý thuyết:

- Bước 1: Giáo viên gọi học sinh lên bảng sơ đồ hóa nội dung kiến thức của bài (chuyên đề) đã học (yêu cầu này đã được giáo viên hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà chuẩn bị trước).

Ví dụ: Khi hệ thống hóa kiến thức chương I. Thành phần hóa học của tế bào thì giáo viên gọi 4 học sinh lên bảng, mỗi học sinh sơ đồ hóa nội dung một bài.

- Bước 2: Yêu cầu những học sinh khác quan sát, nhận xét, bổ sung nếu cần.

- Bước 3: Giáo viên nhận xét, góp ý, hoàn chỉnh và bổ sung kiến thức mở rộng nếu có.

- Bước 4: Phát tài liệu trắc nghiệm khách quan theo từng bài cho học sinh làm (mỗi bài khoảng 10→12 câu trắc nghiệm đủ 4 mức độ)

- Bước 5: Giáo viên kiểm tra bài làm của học sinh và chữa bài cho các em để giáo viên kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức và hiểu bài ở mức độ nào để điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng bộ môn.

4. Một số sơ đồ tư duy minh họa và các câu trắc nghiệm sau mỗi sơ đồ tư duy
Câu hỏi trắc nghiệm bài 3 được sưu tầm từ các nguồn tài liệu của nhiều tác giả khác nhau:

Câu 1. Cho các ý sau:

(1) Các nguyên tố trong tế bào tồn tại dưới 2 dạng: anion và cation.

(2) Cacbon là các nguyên tố đặc biệt quan trọng cấu trúc nên các đại phân tử hữu cơ.    

(3) Có 2 loại nguyên tố: nguyến tố đa lượng và nguyên tố vi lượng.

(4) Các nguyên tố chỉ tham gia cấu tạo nên các đại phân tử sinh học.

(5) Có khoảng 25 nguyên tố cấu tạo nên cơ thể sống.

Trong các ý trên, có mấy ý đúng về nguyên tố hóa học cấu tạo nên cơ thể sống?

         A. 2                      B. 3                       C. 4                      D. 5

Câu 2. Cho các hiện tượng sau:

(1) Con gọng vó có thể đứng và chạy trên mặt nước.

(2) Ở thực vật, nước được vận chuyển từ rễ qua thân lên lá cây.

(3) Người toát mồ hôi khi trời nóng.            

(4) Sợi bông hút nước.

Có mấy hiện tượng trên đây thể hiện tính liên kết qua các phân tử nước?

         A. 1                                          B. 3                               C. 2                                 D. 4

Câu 3.  Tính phân cực của nước là do

A. đôi êlectron trong mối liên kết O – H bị kéo lệch về phía ôxi.

B. đôi êlectron trong mối liên kết O – H bị kéo lệch về phía hidro.

C. xu hướng các phân tử nước.

D. khối lượng phân tử của ôxi lớn hơn khối lượng phân tử của hidro.

Câu 4. Cho các ý sau:

(1) Nước trong tế bào luôn được đổi mới hàng ngày.

(2) Nước tập trung chủ yếu ở chất nguyên sinh trong tế bào.

(3) Nước tham gia vào phản ứng thủy phân trong tế bào.

(4) Nước liên kết với các phân tử nhờ liên kết hidro.

(5) Nước có tính phân cực thể hiện ở vùng ôxi mang điện tích dương và vùng hidro mang điện tích âm.

         Trong các ý trên, có mấy ý đúng với vai trò của nước?

         A. 2.                     B. 3.                      C. 4.                     D. 5.

Câu 5. Cho các ý sau:

(1) Là liên kết yếu, mang năng lượng nhỏ.

(2) Là liên kết mạnh, mang năng lượng lớn.

(3) Dễ hình thành nhưng cũng dễ bị phá vỡ.          

(4) Các phân tử nước liên kết với nhau bằng liên kết hiđrô.

         Trong các ý trên, có mấy ý là đặc điểm của liên kết hiđrô?

         A. 1.                      B. 2.                       C. 3.                    D. 4.

Câu 6. Cho các ý sau:

(1) Uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.  

(2) Truyền nước khi cơ thể bị tiêu chảy.

(3) Ăn nhiều hoa quả mọng nước. 

(4) Tìm cách giảm nhiệt độ khi cơ thể bị sốt.

Trong các ý trên có mấy ý là những việc làm quan trọng giúp chúng ta có thể đảm bảo đủ nước cho cơ thể trong những trạng thái khác nhau?

         A. 1.                     B. 2.                      C. 3.                     D. 4.

Câu 7. Khi trời bắt đầu mưa, nhiệt độ không khí tăng lên chút ít là do

          A. nước liên kết với các phân tử khác trong không khí giải phóng nhiệt.

          B. liên kết hiđro giữa các phân tử nước được hình thành đã giải phóng nhiệt.

          C. liên kết hiđro giữa các phân tử nước bị phá vỡ đã giải phóng nhiệt.

          D. sức căng bề mặt của nước tăng cao.

Câu 8. Khi tìm kiếm sự sống ớ các hành tinh khác trong vũ trụ, các nhà khoa học trước hết tìm kiếm xem ở đó có nước hay không vì các lí do dưới đây:

(1) Nước là thành phần cấu tạo tế bào.                 

(2) nước chiếm tỷ lệ lớn trong tế bào và cơ thể sống, giúp tế bào chuyển hóa vật chất và duy trì sự sống.

(3) Nước là dung môi hòa tan nhiều chất cần thiết cho các hoạt động sống của tế bào.                    

(4) Nước là môi trường của các phản ứng sinh hóa trong tế bào.

Số lí do đúng là

          A. 3                      B. 4                       C. 2                      D. 1

Câu 9. Có bao nhiêu phát biểu dưới đây về các nguyên tố tham gia cấu tạo tế bào là đúng?

(1) Các nguyên tố hóa học trong tự nhiên đều có thể tìm thấy trong tế bào các sinh vật.

(2) Trong tế bào, nguyên tố vi lượng chiếm tỉ lệ ít hơn nguyên tố đa lượng.   

(3) Nguyên tố đa lượng tham gia cấu tạo và hoạt hóa nhiều enzim xúc tác.

(4) Các nguyên tố đa lượng điển hình trong tế bào là C, H, O, N, S, P, K, Mg…

(5) Nguyên tố vi lượng có vai trò kém quang trọng hơn so với nguyên tố đa lượng.

          A. 4                      B. 3                                C. 2                      D. 5

Câu 10. Nhóm các nguyên tố nào sau đây là nhóm nguyên tố chính cấu tạo nên chất sống?

          A. C, Na, Mg, N.                      B. H, Na, P, Cl.      

          C. C, H, O, N.                          D. C, H, Mg, Na.

Câu 11. Cacbon là nguyên tố hóa học đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên sự đa dạng của các đại phân tử hữu cơ vì cacbon

          A. là một trong những nguyên tố chính cấu tạo nên chất sống.

          B. chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ thể sống.

          C. có cấu hình điện tử vòng ngoài với 4 điện tử (cùng lúc tạo nên 4 liên kết cộng hóa trị với các nguyên tử khác).

          D. có khối lượng phân tử là 12 đ.v.c.

          Câu hỏi trắc nghiệm bài 4 được sưu tầm từ các nguồn tài liệu của nhiều tác giả khác nhau:

Câu 1. Cho các ý sau:

(1) Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.                   

(2) Khi bị thủy phân thu được glucôzơ.

(3) Có thành phần nguyên tố gồm: C, H, O.          

(4) Có công thức tổng quát: (C6H10O6)n.   

(5) Tan trong nước.

         Trong các ý trên có mấy ý là đặc điểm chung của pôlisaccarit?

         A. 2.                     B. 3                       C. 4.                               D. 5

Câu 2. Cho các nhận định sau:

(1) Tinh bột là chất dự trữ trong cây. 

(2) Glicôgen là chất dự trữ trong cơ thể động vật và nấm.

(3) Glucôzơ là nguyên liệu chủ yếu cho hô hấp tế bào.

(4) Pentôzơ tham gia vào cấu tạo của ADN và ARN.               

(5) Xenlulôzơ tham gia cấu tạo màng tế bào.

         Trong các nhận định trên có mấy nhận định đúng với vai trò của cacbohidrat trong tế bào và cơ thể?

         A. 2.                     B. 3                          C. 4.                            D. 5

Câu 3. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, độ pH,…có thể phá hủy cấu trúc không gian 3 chiều của prôtêin làm cho chúng mất chức năng. Hiện tượng này được gọi là

         A. hiện tượng ức chế của prôtêin.       

         B. hiện tượng hủy diệt của prôtêin.

         C. hiện tượng hoạt động của prôtêin. 

         D. hiện tượng biến tính của prôtêin.

Câu 4. Lipit không có đặc điểm

         A. cấu trúc đa phân.                

         B. không tan trong nước.   

         C. được cấu tạo từ các nguyên tố : C, H, O.

         D. cung cấp năng lượng cho tế bào.

Câu 5. Cho các ý sau:

(1) Dự trữ năng lượng trong tế bào.                      

(2) Tham gia cấu trúc màng sinh chất.

(3) Tham gia vào cấu trúc của hoocmon, diệp lục.

(4) Tham gia vào chức năng vận động của tế bào.

(5) Xúc tác cho các phản ứng sinh học.

Trong các ý trên có mấy ý đúng với vai trò của lipit trong tế bào và cơ thể?

         A. 2.                     B. 3                       C. 4.                     D. 5

Câu 6. Giữa mỡ động vật và dầu thực vật, người cao tuổi không nên ăn các loại thức ăn có chứa nhiều ...(1)... vì ...(2)... Nội dung đúng là

          A. (1) mỡ động vật; (2) chứa nhiều axit béo no nên dễ gây xơ vữa động mạch.

          B. (1) dầu thực vật; (2) chứa nhiều axit béo no và côlesteron nên dễ gây xơ vữa động mạch.

          C. (1) dầu thực vật; (2) chúng chứa nhiều axit béo không no nên dễ gây xơ vữa động mạch.

          D. (1) mỡ động vật; (2) chứa nhiều axit béo không no và côlesteron nên dễ gây xơ vữa động mạch.

Câu 7.  Điều nào dưới đây không đúng về sự giống nhau giữa đường và lipit?

         A. Cấu tạo từ các nguyên tố: C, H, O.         

         B. Là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào.

         C. Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.           

         D. Đường và lipit có thể chuyển hóa cho nhau.

Câu 8. Cho các ý sau:

(1) Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.          

(2) Đơn phân là glucôzơ.         

(3) Không tan trong nước.                           

(4) Giữa các đơn phân là liên kết glicôzit.    

(5) Là nguồn năng lượng dự trữ của tế bào. 

(6) Có công thức tổng quát (C6H12O6)n.

Trong các ý trên, có mấy ý là đặc điểm chung của xenlulôzơ, tinh bột và glicôgen?

         A. 3                       B. 4                      C. 5                                D. 6

Câu 9.  Ăn nhiều dầu, mỡ sẽ dễ mắc bệnh nào sau đây?

(1) Mỡ máu.                   (2) Xơ vữa động mạch.    

(3) Gút.                          (4) Tiểu đường.               (5) Xơ gan.

Số phương án trả lời đúng là

         A. 2                      B. 3                       C. 4                      D. 5

Câu 10. Cho các đặc điểm sau:

(1) Lipit không tan trong nước còn cacbonhiđrat tan trong nước.

(2) Lipit cung cấp nhiều năng lượng hơn cacbohiđrat khi phân hủy.

(3) Giữa các đơn phân của lipit là liên kết este còn giữa các đơn phân của cacbohdrat là liên kết glicôzit.

(4) Phân tử lipit có ít oxi hơn phân tử cacbonhiđrat.

(5) Lipit có vai trò điều hòa và giữ nhiệt cho cơ thể còn cacbonhiđrat thì không.

Có bao nhiêu đặc điểm là đặc điểm khác nhau giữa lipit và cacbonhiđrat?

         A. 4                      B. 2                       C. 3                      D. 5

Câu 11. Khi nước bay hơi thì sẽ mang theo năng lượng, nguyên nhân là vì nước đã sử dụng năng lượng để

         A. bẻ gảy liên kết hóa học giữa O với H ở trong nước.

         B. bẻ gảy các liên kết hiđrô giữa các phân tử nước.

         C. tăng số liên kết hiđrô giữa các phân tử nước.

         D. làm giảm khối lượng của các phân tử nước
Câu hỏi trắc nghiệm bài 5 được sưu tầm từ các nguồn tài liệu của nhiều tác giả khác nhau:

Câu 1. Cho các nhận định sau:

(1) Cấu trúc bậc 1 của phân tử prôtêin là chuỗi pôlipeptit.

(2) Cấu trúc bậc 2 của phân tử prôtêin là chuỗi pôlipeptit ở dạng co xoắn hoặc gấp nếp.

(3) Cấu trúc không gian bậc 3 của phân tử prôtêin là chuỗi pôlipeptit ở dạng xoắn hoặc gấp nếp tiếp tục co xoắn.

(4) Cấu trúc không gian bậc 4 của phân tử prôtêin gồm hai hay nhiều chuỗi pôlipeptit kết hợp với nhau.

(5) Khi cấu trúc không gian ba chiều bị phá vỡ, phân tử prôtêin không thực hiện được chức năng sinh học.

Có mấy nhận định đúng với các bậc cấu trúc của phân tử prôtêin?

         A. 2.                     B. 3                       C. 4.                     D. 5

Câu 2. Các loại axit amin trong phân tử prôtêin phân biệt với nhau bởi

         A. số nhóm NH2                       B. cấu tạo của gốc R               

         C. số nhóm COOH                            D. vị trí gắn của gốc R

Câu 3. Cho các hiện tượng sau:

(1) Lòng trắng trứng đông lại sau khi luộc.   

(2) Thịt cua vón cục và nổi lên từng mảng khi đun nước lọc cua.

(3) Sợi tóc duỗi thẳng khi được ép mỏng.    

(4) Sữa tươi để lâu ngày bị vón cục.

         Có mấy hiện tượng thể hiện sự biến tính của prôtêin?

         A. 1.                     B. 2                       C. 3                                D. 4

Câu 4. Chất nào sau đây được cấu tạo từ các axit amin?

A. Côlesteron – tham gia cấu tạo nên màng sinh học.

B. Pentôzơ – tham gia cấu tạo nên axit nucleic trong nhân tế bào.

C. Ơstogen – hoocmon do buồng trứng ở nữ giới tiết ra.

D. Insulin – hoocmon do tuyến tụy ở người tiết ra.

Câu 5. Nếu ăn quá nhiều protein (chất đạm), cơ thể có thể mắc bệnh gì sau đây?

         A. Bệnh gút.                                       B. Bệnh mỡ máu.           

         C. Bệnh tiểu đường.                  D. Bệnh đau dạ dày.

Câu 6. Cấu trúc quyết định tính đặc thù và đa dạng của phân tử protein là

         A. cấu trúc bậc 1.                     B. cấu trúc bậc 2. 

         C. cấu trúc bậc 3.                     D. cấu trúc bậc 4.

Câu 7. Cho các ví dụ sau:

(1) Côlagen cấu tạo nên mô liên kết ở da.

(2) Enzim lipaza thủy phân lipit.

(3) Insulin điều chỉnh hàm lượng đường trong máu.

(4) Glicôgen dự trữ ở trong gan.

(5) Hêmôglôbin vận chuyển O2 và CO2.

(6) Interferon chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.

Có mấy ví dụ minh họa cho các chức năng của prôtêin?

         A. 3                      B. 4                       C. 5                      D. 6

Câu 8. Cho các loại liên kết hóa học sau:

(1) Liên kết peptit;       (2) Liên kết hiđrô;        (3) Liên kết đisunphua (- S – S -);

(4) Liên kết phôtphodieste;                            (5) Liên kết glucozit.

Có mấy loại liên kết tham gia duy trì cấu trúc của prôtêin bậc 3?

         A. 2.                     B. 3                       C. 4.                     D. 5

Câu 9. Cho các phát biểu sau về axit amin:

(1) Mỗi axit amin có ít nhất một nhóm amin (NH2).

(2) Mỗi axit amin có đúng một nhóm COOH.

(3) Những axit amin cơ thể không tổng hợp được gọi là axit amin không thay thế.      

(4) Axit amin là một chất lưỡng tính (vừa có tính axit, vừa có tính bazơ).

Số phát biểu có nội dung đúng là:

      A. 1                                    B. 2                       C.3                       D. 4

Câu 10. Trong các chức năng sau:

(1) Cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

(2) Mang và bảo quản thông tin di truyền.

(3) Vận chuyển các chất.

(4) Nguồn dự trữ axit amin.

(5) Hêmoglobin vận chuyển O2 và CO2.

(6) Xúc tác cho các phản ứng hóa sinh.

(7) Bảo vệ cơ thể.

(8) Cung cấp năng lượng cho tế bào.

      Có mấy chức năng của prôtêin?

      A. 4                          B. 7                       C. 5                                D. 6

Câu 11. Đối với sự sống, liên kết hiđrô có các vai trò :

(1) Quy định cấu hình không gian của các đại phân tử sinh học.

(2) Đảm bảo cho nguyên tử hiđrô liên kết chặt với các phân tử hữu cơ.

(3) Đảm bảo cho nguyên tử hiđrô liên kết chặt với các phân tử khác.

(4) Duy trì liên kết yếu giữa các phân tử phân cực với các phân tử nước.

Số phương án đúng là

      A. 1.                                B. 2.                       C. 3.                       D. 4

Câu 12. Prôtêin là hợp chất hữu cơ có tính đa dạng cao nhất. Nguyên nhân là vì Prôtêin có:

(1) Cấu trúc đa phân và có nhiều loại đơn phân.

(2) Cấu tạo từ một hoặc nhiều chuỗi polypeptit.

(3) Cấu trúc không gian nhiều bậc.

(4) Nhiều chức năng quang trọng đối với cơ thể

          A. (1), (2), (3)                                    B. (1), (2), (4)                

          C. (1), (3), (4)                                    D. (2), (3), (4

            Câu hỏi trắc nghiệm bài 6 được sưu tầm từ các nguồn tài liệu của nhiều tác giả khác nhau:

Câu 1. Yếu tố quang trọng nhất quyết định tính đặc thù của mỗi loại ADN là

          A. hàm lượng ADN trong nhân tế bào.

          B. số lượng, thành phần và trật tự sắp xếp của các nuclêôtit trên ADN.

          C. tỷ lệ .                 D. thành phần các bộ ba nuclêôtit trên ADN.

Câu 2. ADN có chức năng

         A. dự trữ và cung cấp năng lượng cho tế bào.       

         B. cấu trúc nên màng tế bào, các bào quan.

         C. tham gia vào quá trình chuyển hóa vật chất trong tế bào.

         D. mang, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.

Câu 3. Chức năng của ARN ribôxôm (rARN) là

          A. mang axit amin đến ribôxôm trong quá trình dịch mã.

          B. dùng làm khuôn mẫu cho quá trình dịch mã ở ribôxôm.

          C. kết hợp với prôtêin tạo nên ribôxôm là nơi tổng hợp prôtêin.

          D. dùng làm khuôn mẫu cho quá trình tổng hợp tARN và rARN.

 Câu 4. Em hãy quan sát hình ảnh sau và chú thích cấu trúc vào (1), (2), (3).

                          Cấu tạo 1 Nucleotit

Chọn đáp án đúng nhất

A. (1) Bazơ nitơ – (2) Đường pentozơ – (3) nhóm photphat.

B. (1) Đường pentozơ– (2) Bazơ nitơ – (3) nhóm photphat.

C. (1) Bazơ nitơ – (2) Đường glucôzơ – (3) nhóm photphat.

     D. (1) Đường glucôzơ– (2) Bazơ nitơ – (3) nhóm photphat.

Câu 5. Cho các ý sau:

(1) ADN có cấu tạo hai mạch còn ARN có cấu trúc một mạch.

(2) ADN có cấu tạo theo nguyên tắc bổ sung còn ARN thì khong có.

(3) Đơn phân của ADN có đường và thành phần bazo nito khác với đơn phân của ARN.                      

(4) ADN có khối lượng và kích thước lớn hơn ARN.

Trong các ý trên, có mấy ý thể hiện sự khác nhau về cấu tạo giữa ADN và ARN?

         A. 1                      B. 2                       C. 3                      D. 4

Câu 6. Cho các ý sau:

(1) Chỉ gồm một chuỗi pôlinucleotit.           (2) Cấu tạo theo nguyên tắc đa phân.

(3) Có bốn loại đơn phân: A, U, G, X.               

(4) Các đơn phân liên kết theo nguyên tắc bổ sung.     

(5) Đều có liên kết phôtphodieste trong cấu trúc phân tử.

Trong các ý trên, có mấy ý là đặc điểm cấu trúc chung của cả ba loại ARN?

         A. 2                      B. 3                       C. 4                      D. 5

Câu 7. Liên kết phôtphodieste là liên kết giữa

   A. các axit phôtphoric của các nucleotit trên một mạch đơn của phân tử ADN.

   B. các nucleotit giữa hai mạch đơn của phân tử ADN.

   C. đường của nucleotit này với axit phôtphoric của nucleotit kế tiếp trên một mạch đơn của phân tử ADN.

    D. liên kết giữa hai bazơ nitơ đối diện nhau của phân tử ADN.

Câu 8. Sắp xếp các phân tử ADN, ARN dưới đây để phù hợp với chức năng của chúng:

Các loại

Chức năng

(1) ADN

(a) cấu tạo ribôxôm, tổng hợp prôtêin

(2) tARN

(b) vận chuyển các axit amin tới ribôxôm để tổng hợp prôtêin

(3) rARN

(c) mang, bảo quản, truyền đạt thông tin di truyền

(4) mARN

(d)  truyền thông tin từ ADN đến ribôxôm, làm  khuôn  tổng hợp prôtêin

          A. (1) –(b), (2) –(c), (3) –(a), (4) –(d). 

          B. (1) –(d), (2) –(c), (3) –(a), (4) –(b).

          C. (1) –(c), (2) –(b), (3) –(a), (4) –(d).  

          D. (1) –(a), (2) –(b), (3) –(d), (4) –(c).

Câu 9. Ghép cho phù hợp giữa cấu tạo và chức năng của ADN:

Cấu tạo giúp ADN thực hiện chức năng

Chức năng

1. Hai mạch polynuclêôtit liên kết với nhau bằng liên kết hiđrô (không bền)giữa các bazơ nitơ (hai mạch dễ dàng tách nhau trong quá trình nhân đôi và phiên mã)

a. Mang thông tin di truyền.

2. Cấu trúc gồm hai mạch polynuclêôtit liên kết với nhau theo nguyên tắc bổ sung (khi một mạch bị hỏng, mạch kia làm khuôn mẫu để sữa chữa).

b. Bảo quản thông tin di truyền

3. Cấu tạo đa phân, đơn phân là nuclêôtit (số lượng trình tự các nuclêôtit là thông tin di truyền)

c. Truyền đạt thông tin di truyền

          A. (1) –(b), (2) –(c), (3) –(a).          B. (1) – (a),(c), (2) –(c), (3) –(b).

          C. (1) –(c), (2) –(b), (3) –(a).          D. (1) – (a), (2) –(b), (3) –(c).

Câu 10. Cho các nhận định sau về axit nucleic. Nhận định nào đúng?

         A. Axit nucleic được cấu tạo từ 4 loại nguyên tố hóa học: C, H, O, N.

         B. Axit nucleic được tách chiết từ tế bào chất của tế bào.

         C. Axit nucleic được cấu tạo theo nguyên tắc bán bảo tồn và nguyên tắc bổ sung.

         D. Có 2 loại axit nucleic: axit đêôxiribônucleic (ADN) và axit ribônucleic (ARN).

C. Kết luận

         Tóm lại qua thực tế dạy học, tôi thấy rằng việc sử dụng sơ đồ tư duy để ôn tập hệ thống hóa kiến thức cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó giúp các em giải quyết tốt các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết, nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh và quan trọng hơn là giúp cho học sinh khắc sâu kiến thức và niềm say mê môn học, đồng thời có phương pháp học tập tốt phù hợp với yêu cầu thi trắc nghiệm hiện nay.

                                                                  GV: Ngô Thị Minh Sương 

 


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn