THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Hội thảo chuyên đề môn GDCD
Cập nhật lúc: 08/11/2019
 
 Trường THPT Giồng Riềng

Tổ: Sử- Địa- GDCD

Môn: GDCD

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ:

VẬN DỤNG NHIỀU PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC ĐỂ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN KHI DẠY TIẾT 3, BÀI 7 GDCD 12 “ QUYỀN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN”

I/ THỰC TRẠNG

Hiện nay, ở trường Trung học phổ thông môn Giáo dục công dân lớp 12 do tính đặc thù của bộ môn thuộc khoa học xã hội; bên cạnh đó, kiến thức môn học liên quan đến pháp luật cho nên rất "khô khan", do đó, học sinh không hứng thú học. Đặc biệt đối với bài 7, GDCD 12 “ CÔNG DÂN VỚI CÁC QUYẾN DÂN CHỦ”, nội dung bài học rất khó vì nó là các quyền cụ thể của công dân. Đặc biệt bài này với thời lượng là 3 tiết, tương ứng với giảng dạy 3 quyền dân chủ cơ bản của công dân, cụ thể là quyền bầu cử, ứng cử của công dân, quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thực tế giảng dạy nhiều năm của bản thân tôi gặp phải một số khó khăn khi dạy tiết thứ 3 của bài là quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, đó là:

Thứ nhất: Nội dung của bài nhiều, với thời lượng 45 phút,nếu giáo viên chỉ sử dụng phương pháp giảng giải, phát vấn… là không truyền tải hết nội dung bài học.

Thứ  hai: Nội dung của quyền này khó, học sinh hầu như chưa gặp thực tế nên phần nào làm cho các em không hiểu và không có hứng thú học.

        Với vấn đề này, chúng tôi kết hợp nhiều phương pháp để giảng dạy phần này để giúp các em hiểu bài nhanh hơn, hứng thú hơn và truyền tải được hết nội dung của bài mà vẫn đúng tiến độ phân phối chương trình.

II/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Chuẩn bị bài dạy:  Tư liệu pháp luật, tình huống pháp luật, SGK lớp 12, các thông tin về việc công dân tham gia vào dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ gián tiếp. Máy chiếu

2. Tiến trình bài dạy:

1. Hoạt động khởi động (5 phút) 

- Cách tiến hành:  Giáo viên đưa ra 2 tình huống cho cả lớp thảo luận:

TH 1: Một cán bộ xã nghi một học sinh lớp 8 lấy cắp xe đạp của con mình nên đã bắt em về trụ sở xã, nhốt vào phòng làm việc cả ngày và mắng nhiếc, doạ dẫm em phải nhận tội. Thực ra chiếc xe đó đã bị một bạn trong lớp mượn mà không hỏi. Cuối ngày, sau khi chiếc xe được trả lại, ông cán bộ xã mới thả em học sinh về trong trạng thái hoảng loạn. Mẹ em học sinh đó do bị cán bộ xã khống chế , doạ nạt nên không dám nói năng gì.

Em và các bạn có thể làm gì để giúp bạn học sinh trong trường hợp này?

TH 2: Chị M sau 1 thời gian nghỉ sinh, hết 6 tháng chị M quay trở lại công ty làm việc nhưng chị M nhận được quyết định nghỉ việc. Theo em chị M phải làm gì? Em hãy giúp chị M. và Công ty đó ra quyết định như vậy đúng với chưa? Vì sao?

- Nhiệm vụ học sinh:

HS trình bày kết quả thảo luận.

GV nhận xét và kết luận TH1: Quyền tố cáo, TH2 quyền khiếu nại.

2. Hoạt động hình thành kiến thức:

- Tìm hiểu khái niệm quyền khiếu nại tố cáo :

+ GV có thể sử dụng phương pháp nêu vấn đề, đàm thoại, thuyết trình :

GV yêu cầu HS nhắc lại nội dung quyền bầu, ứng cử và quyền tham gia quản lí nhà nước. Sau đó giáo viên đưa ra vấn đề HS giải quyết: Trong khi thực hiện hai quyền trên nếu phát hiện những VPPL thì người dân có thể làm gì? làm như thế nào để ngăn chặn việc làm sai đó?

HS trình bày ý kiến.

GV nhận xét và KL và  giới thiệu cho HS mẩu đơn khiếu nại tố cáo của công dân ở màn hình

- Tìm hiểu nội dung quyền khiếu nại, tố cáo của công dân

+  Phương pháp:Nếu vấn đề, đàm thoại, thảo luận nhóm, thuyết trình.

- Cách tiến hành:

 Giáo viên tổ chức cho HS thảo luận theo nhóm, học sinh làm việc thành từng cặp đôi.

 GV chiếu  Bảng so sánh nội dung quyền khiếu nại, tố cáo của công dân ở màn hình

( máy chiếu ) và yêu cầu HS hoàn thành bảng so sánh.

 

Quyền khiếu nại

Quyền tố cáo

Mục đích

 

 

Người có quyền

 

 

Người có thẩm quyền giải quyết

 

 

Quy trình

 

 

- Đối với nội dung này giáo viên hay gặp khó khăn khi truyền thụ kiến thức  phần “Quy trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo”vì nội dung nhiều, học sinh khó hiểu, khó liên hệ thực tế nên giáo viên có thể cho hs xem đoạn  video thực tế về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để hs dễ dàng hiểu bài và gây hứng thú học tập cho hs hơn.

-Tích hợp phòng chống tham nhũng:

Giáo viên hỏi  học sinh:

Công dân có thể tố cáo hành vi tham nhũng bằng cách nào?

Đưa ra ví dụ về việc công dân tố cáo hành vi tham nhũng và ví dụ về hành vi VPPL

Học sinh trả lời:

Giáo viên kết luận và mở rộng:

+ Tố cáo bằng đơn hoặc điện thoại, trực tiếp bằng đường dây nóng...

- Tìm hiểu ý nghĩa của quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Phương pháp:

Nêu vấn đề, đàm thoại,thuyết trình.

- Cách tiến hành:

GV yêu cầu HS liên hệ thực tiễn để rút ra ý nghĩa quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.

Em hãy nêu ý nghĩa của quyền khiếu nại và tố cáo của công dân ?

HS trình bày, GV kết luận

GV chiếu lên máy ý nghĩa quyền khiếu nại, tố cáo của công dân

 

 

3. Hoạt động củng cố :

   Cách tiến hành: Giáo viên cho học sinh làm bài trắc nghiệm

Nhiệm vụ học sinh: Làm bài trắc nghiệm

Câu 1. Anh Q đi xe máy vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông xử phạt tiền 400. 000 đồng. Cho rằng, mức phạt như vậy là quá cao, anh Q có thể làm gì trong các việc làm dưới đây cho đúng PL?

A.   Khiếu nại đến Giám đốc Công an tỉnh.

B.    Tố cáo với thủ trưởng của người cảnh sát đã  xử phạt mình.

C.    Đăng bài lên F nói xấu người cảnh sát này.

D.   Khiếu nại đến người cảnh sát đã xử phạt mình.

Câu 2. Ai dưới đây có quyền khiếu nại?

A.   Mọi cá nhân, tổ chức.

B.    Chỉ có cá nhân.

C.    Chỉ những người từ 20 tuổi trở lên.

D.   Chỉ những người là nhân viên.

Câu 3. Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân

A.   Bất kì.

B.    Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

C.    Chuyên trách làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại.

D.   Thuộc ngành thanh tra.

Câu 4. Phát hiện thấy một nhóm người đang cưa trộm gỗ trong rừng quốc gia,      D đã báo ngay cho cơ quan kiểm lâm. D đã thực hiện quyền nào dưới đây của công dân?

     A. Quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội.          B. Quyền tự do ngôn luận.

     C. Quyền tố cáo.                                                          D. Quyền khiếu nại.

Câu 5. Mục đích của quyền khiếu nại là nhằm...... quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

A.phục hồi           B. bù đắp.         C. chia sẻ         D. khôi phục

Câu 6. Mục đích của quyền tố cáo nhằm.......các việc làm trái pháp luật, xâm hại đến lợi ích của nhà nước, tổ chức và công dân.

A.phát hiện, ngăn ngừa                        B.phát sinh

C.Phát triển, ngăn chặn                          D.phát hiện, ngăn chặn

Câu 7: Tố cáo nào dưới đây là tố cáo hành vi tham nhũng?

A.   Tố cáo cán bộ nhà nước nhận hối lộ.

B.    Tố cáo người có chức vụ quyền hạn bao che cho người có hành vi tham nhũng.

C.    Tố cáo một số người tiêm chích heroin.

D.   Tố cáo thủ quỷ dùng tiền cho người khác vay.

Câu 8: Khẳng định nào sau đây là đúng?

A.   Công dân chỉ có quyền tố cáo một số hành vi tham nhũng.

B.    Công dân chỉ có quyền tố cáo hành vi tham nhũng ở cơ quan mình.

C.   Công dân có quyền tố cáo mọi hành vi tham nhũng.

D.   Công dân chỉ có quyền tố cáo hành vi tham nhũng của những người mình biết.

                                                          Hết


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn