QUẢN LÍ MẠNG XÃ HỘI TRONG
BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP
LẦN THỨ TƯ
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã làm thay đổi một cách đáng kể cách sống, suy nghĩ và hành động của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Nó giúp con người dễ dàng chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau thông qua việc trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh. Mạng xã hội làm cho những người sống ở những địa phương, đất nước, châu lục khác nhau xích lại gần nhau hơn. Những nội dung thông tin trên mạng trở thành một kho tàng kiến thức khổng lồ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng xã hội. Khi thông tin ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc nắm bắt thời cơ, cơ hội để hợp tác và phát triển, thì những tiện ích mà internet, mạng xã hội mang lại đã giúp cho kinh tế xã hội ngày càng phát triển. Quá trình hội nhập về chính trị, văn hóa, xã hội cũng nhanh, mạnh hơn, làm phong phú hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân...
Bên cạnh mặt tích cực, thì những thông tin giả, thông tin xấu, độc hại trên internet và mạng xã hội cũng ảnh hưởng rất tiêu cực đến đời sống chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội của đất nước; gây nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là nguy cơ mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Đáng lưu ý là, những thông về tình hình dịch bệnh covid-19 thời gian qua đã thu hút số lượng lớn sự quan tâm, theo dõi của người dân. Tuy nhiên những thông tin giả mạo về tình hình dịch bệnh covid-19 do vậy càng làm phức tạp thêm tình hình chính trị, xã hội của đất nước, địa phương; làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân và có khả năng gây mất ổn định xã hội nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Không những thế trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, các đối phản động thường đưa các thông tin xấu độc, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ để làm lung lạc lòng tin của nhân dân với Đảng, làm phức tạp thêm tình hình về an ninh chính trị của đất nước và địa phương.
Trên cơ sở phân tích tính hai mặt của mạng xã hội, thiết nghĩ công tác quản lý văn hóa trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng là việc làm cần thiết, cấp bách, vừa khai thác được những ưu thế vượt trội của mạng xã hội, vừa xây dựng được không gian văn hóa mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy quá trình xây dựng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với tư cách là sức mạnh mềm của đất nước trong quá trình hội nhập.
Để quản lý tốt hơn nội dung thông tin trên mạng, quản lý hữu hiệu đối với tình trạng thông tin giả, thông tin xấu, độc hại, trong thời gian tới theo tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về văn hóa trên mạng xã hội.
Công tác quản lý mạng xã hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành tại Việt Nam, như Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về nội dung thông tin; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính quản lý những vấn đề liên quan đến thuế; Bộ Công an…Do đó, để có thể quản lý hiệu quả, cần có sự vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển nhanh và rất mạnh
của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng
Thời gian qua, công tác quản lý văn hóa trên mạng xã hội đã đạt được những thành tựu nhất định, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật quy định hành vi ứng xử trên mạng xã hội đối với các bên liên quan... Nó là chiếc “áo giáp” để phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi sử dụng mạng xã hội vô văn hóa, đưa họ trở về với “con người” đúng nghĩa, tạo ra sự bình đẳng cho số đông.
Tuy nhiên, việc triển khai Bộ Quy tắc đòi hỏi phải có thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, ý thức tự giác chấp hành của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Các cơ quan chức năng cần “chạy đua” với sự phát triển của các nền tảng này để xây dựng các công cụ rà soát, quản lý và kiểm duyệt nội dung một cách tiên tiến hơn, chính xác hơn để đưa ra các hành lang pháp lý mạnh mẽ, buộc phải tuân thủ để đảm bảo an ninh, an toàn xã hội tại Việt Nam.
- Chủ động xây dựng kịp thời các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của mạng xã hội và phương châm khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sử dụng Internet, mạng xã hội biết cách nhận diện thông tin tốt - xấu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia sử dụng Internet, mạng xã hội.
- Tăng cường cung cấp thông tin tích cực chính thống để phản bác những thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội. Tăng cường thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thông tin trên mạng xã hội, dịch vụ internet, thuê bao di động, sim, thẻ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
- Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trang thông tin điện tử cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.
- Xây dựng và kết nối các tài khoản trên mạng xã hội để chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet, mạng xã hội.
- Cần xác định việc đấu tranh, phản bác là nhiệm vụ chính trị của mỗi Đảng viên, huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, từng bước xây dựng được thế trận lòng dân trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
- Tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống gắn với giáo dục các kỹ năng xã hội, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, tư duy phản biện trên không gian mạng xã hội cho các tầng lớp nhân dân nói chung, thanh thiếu niên nói riêng. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa dân chủ, lành mạnh, phong phú.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội.
Mỗi người phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm, quyền hạn của mình khi tham gia mạng xã hội. Đó là, cần nghiên cứu, thẩm định thông tin kỹ lưỡng trước khi bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội; tích cực lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, gương người tốt việc tốt trong đời sống thực lên mạng xã hội.
- Ngoài ra, cần phải có sự chung tay của gia đình, nhà trường và các đoàn thể trong công tác giáo dục thanh thiếu niên, không chỉ là cung cấp tri thức, mà còn trang bị kỹ năng, hình thành nhân cách, định hướng các giá trị sống cho giới trẻ, giúp họ có “bộ lọc” văn hóa khi tham gia môi trường mạng xã hội. Đây là giải pháp căn cơ, cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, và phải qua quá trình lâu dài mới có thể thấy hiệu quả.
Thấy được tầm quan trọng của công tác quản lí internet và mạng xã hội , Hiệu trưởng trường THPT Giồng Riềng chúng tôi là đồng chí Đàm Thanh Lạc đã dựa trên các văn bản pháp luật của nhà nước đã xây dựng và ban hành quy định 50/THPT-VP về việc sử dụng mạng xã hội trong đội ngũ cán bộ, viên chức và học sinh trường THPT Giồng Riềng. Hy vọng đây sẽ là thông điệp tích cực giúp mọi người sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp lí, đúng mục đích, mang lại lợi ích tốt đẹp cho bản thân trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập và trong công việc.
GV: Phạm Thị Ngọc Hiếu