THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Hai bản dịch Nhật kí trong tù chưa được biết ở Việt Nam
Cập nhật lúc: 17/11/2023
Cho đến nay có thể nói Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du là hai tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Nhưng, số ngôn ngữ đã dịch và xuất bản hai tác phẩm này vẫn chưa được biết đến một cách rõ ràng và thống nhất. Các bài viết đề cập đến vấn đề này đều có chung nhận định: Nhật kí trong tù và Truyện Kiều “đã được dịch ra hàng chục tiếng nước ngoài”.
        Với Nhật kí trong tù, một số “nguồn” có đưa ra số ngôn ngữ đã có bản dịch, song số lượng giữa các “nguồn” không có sự thống nhất, ngay cả trong cùng một thời gian công bố. Qua một số “nguồn” tìm hiểu trên internet, thấy như sau: Bảo tàng Hồ Chí Minh (công bố 2008 và 2014): 20; Thuý Toàn (công bố 2007 và 2014): 25; Nguyễn Văn Dương (công bố 2013): 20; Đỗ Hồng Công (công bố 2015): 11; Báo Nhân dân (công bố 2015): 25.

        Như vậy, có thể nói con số bản dịch Nhật kí trong tù ra ngôn ngữ nước ngoài vẫn ở tình trạng mà dịch giả Thúy Toàn viết từ năm 2013: “Kể ra con số bản dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như số nơi mà tác phẩm của Người được xuất bản, cho đến nay còn chưa được tìm hiểu đầy đủ, chính xác.”

        Để góp phần bổ khuyết cho tình trạng nêu trên và hiểu rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Hồ Chí Minh, nhất là về phương diện một nhà thơ, gần đây chúng tôi đã dành thời gian sưu tầm và giới thiệu các bản dịch Nhật kí trong tù ra các ngôn ngữ trên thế giới. Kết hợp với kết quả sưu tầm của một số “nguồn” đã công bố, chúng tôi được biết Nhật kí trong tù được dịch ra và in thành sách với ít nhất 36 ngôn ngữ trên thế giới.

        Trong số đó có hai bản dịch sang hai ngôn ngữ là Hebrew và Galicia, được xuất bản cách đây đã gần nửa thế kỉ, song vẫn chưa được biết đến và giới thiệu ở Việt Nam.

1. Nhật kí trong tù bằng tiếng Hebrew

         Hebrew là ngôn ngữ chính thức và được dùng phổ biến nhất của người Israel, hiện có khoảng 5 triệu người sử dụng, chủ yếu ở Israel. Chữ viết Hebrew ra đời từ rất sớm (vào khoảng thế kỉ thứ nhất và thứ hai trước Công nguyên). Ở dạng truyền thống, chữ Hebrew chỉ gồm các phụ âm, được viết theo hàng ngang từ phải sang trái, với 22 chữ cái, 5 trong số đó sử dụng các dạng khác nhau ở cuối một từ.

        Bản dịch Nhật kí trong tù bằng chữ Hebrew có tiêu đề “Nhật kí trong tù” (יומן בית הכלא), do nhà thơ - dịch giả nổi tiếng người Israel là Yaakov Besser hay Jacob Besser (יעקב בסר) dịch, được Nhà xuất bản Shamrat xuất bản năm 1975 ở Tel Aviv. Bản dịch gồm 34 bài thơ, được in thành sách khổ 21,5 x 13,5cm, với 28 trang, bìa 1 có in bức phác họa chân dung Hồ Chí Minh.

Dịch giả Yaakov Besser

        Trong “Lời giới thiệu” ở hai trang đầu sách, dịch giả Yaakov Besser giới thiệu vắn tắt tiểu sử Hồ Chí Minh và sự ra đời của Nhật kí trong tù. Đồng thời ông cho biết bản dịch tiếng Hebrew được ông thực hiện từ bản dịch tiếng Ba Lan có đối chiếu với bản dịch tiếng Nga.

       Dịch giả Besser sinh ra ở Kalisz, Ba Lan năm 1934. Năm 1939, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông cùng gia đình rời Ba Lan, chạy trốn sang Nga, sau đó là Ukraina để tránh nạn diệt chủng của phát xít Đức. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về Ba Lan, nhưng năm 1950 ông cùng với gia đình di cư đến Israel.

Bìa Nhật kí trong tù bằng chữ Hebrew. Ảnh: VXQ

Năm 1976, Besser sáng lập tạp chí văn học Prose (Văn xuôi). Năm 1977, ông sáng lập tạp chí xã hội và văn học với tên gọi Iton 77 đồng thời làm Tổng biên tập cho đến lúc qua đời vào năm 2006. Sau khi Besser qua đời, con trai ông là Michael Besser phụ trách và biên tập cùng với Amit Israel-Gilad. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh báo in, Iton 77 còn xuất hiện trên internet tại địa chỉ: https://iton77.com/.

Năm 1993, Besser giữ chức Chủ tịch Hội các nhà văn sáng tác bằng tiếng Hebrew. Năm 1995, ông cùng một nhóm nhà văn thành lập “Hiệp hội các nhà văn Israel” tập hợp các nhà văn viết bằng nhiều ngôn ngữ và trở thành chủ tịch đầu tiên của hiệp hội này. Năm 2000, ông thành lập và làm Tổng biên tập tạp chí Topalpunkt, một tạp chí ra hàng quý về văn học và văn hóa Yiddish.

Besser đã xuất bản 17 tác phẩm thơ bằng tiếng Hebrew. Thơ của ông đã được dịch ra 17 thứ tiếng. Bản thân ông đã dịch và xuất bản 14 tác phẩm từ tiếng Nga, tiếng Yiddish và tiếng Ba Lan sang tiếng Hebrew. Trong số các tác phẩm dịch của ông, bên cạnh Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh (1975) có thơ của các nhà thơ Liên Xô nổi tiếng: Mikhail Yuryevich Lermontov (2012), Ilya Ehrenburg (1968), Sergeyevich Turgeniv (1966), Nikolai Gogol (1987), Sergei Yesenin (1985)…

Besser đã được trao Giải thưởng Sáng tạo của Thủ tướng Israel năm 1980, Giải thưởng Talpir năm 1982, Giải thưởng Efrat về thơ năm 1986 và Giải thưởng Đặc biệt của Ban Giám đốc ACUM (Hiệp hội các tác giả, nhà soạn nhạc và nhà xuất bản âm nhạc ở Israel) vì những đóng góp cho việc khuyến khích sự sáng tạo ở Israel (2005).

       Tháng 12 năm 2006, Besser qua đời do bệnh ung thư ở tuổi 72. Tạp chí Iton 77 ra tháng 1 năm 2007 đã dành trọn một số để tưởng nhớ ông với việc in lại các bài thơ của ông và những lời tưởng niệm của các nhà thơ, nhà văn khác.

2. Nhật kí trong tù bằng tiếng Galicia

       Galicia (Galego viết theo chữ Galicia) là một ngôn ngữ Roman được khoảng 2,4 triệu người (năm 2012) dùng như tiếng mẹ đẻ, chủ yếu ở Galicia, Asturias, Castile và León, một khu tự trị nằm ở phía tây bắc của Tây Ban Nha, giáp với Bồ Đào Nha ở phía nam. Người nói tiếng Galicia và người nói tiếng Bồ Đào Nha ít nhiều có thể hiểu lẫn nhau, nhưng chữ viết Galicia sử dụng các quy tắc chính tả của chữ viết Tây Ban Nha.

       Tiếng Galicia được công nhận là một trong năm ngôn ngữ chính thức của Tây Ban Nha (lenguas españolas) vào năm 1978 cùng với tiếng Castilian (Tây Ban Nha), tiếng Catalan, tiếng Basque và tiếng Aranese. Chữ viết Galicia hiện nay được công nhận là chữ viết chính thức từ năm 1983.

Bìa Nhật kí trong tù bằng chữ Galicia. Ảnh: VXQ

       Bản dịch Nhật kí trong tù bằng tiếng Galicia có tựa đề “Xornal De Prisón”, do nhà thơ, dịch giả nổi tiếng người Galicia là Xosé Neira Vilas dịch, được Nhà xuất bản Castro xuất bản năm 1978 ở La Habana, dựa trên bản dịch tiếng Tây Ban Nha “Diario de prisión” của nhà thơ nổi tiếng Cuba, Felix Pita Rodriguez, xuất bản ở La Habana năm 1974. Sách in khổ 12 x 19cm, gồm 116 trang, trong đó có 3 bức ảnh Hồ Chí Minh và 1 ảnh chụp bút tích chữ Hán của Người. Sách mở đầu với “Lời dẫn” từ trang 7 đến trang 11. Từ trang 13 đến trang 112 là phần nội dung với 100 bài thơ. Bắt đầu là bài Xornal De Prisón (Nhật kí trong tù) và kết thúc là bài Dempóis da prión, outra vez as montanas (Ra tù tập leo núi). Từ trang 114 đến trang 116 là niên biểu vắn tắt về Hồ Chí Minh từ 1890 đến 1969.

       Trong “Lời dẫn”, dịch giả Xosé Neira Vilas đã ca ngợi cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Ông giới thiệu hoàn cảnh ra đời của Nhật kí trong tù và dành những lời đẹp nhất cho tác giả và tác phẩm: “Ốm đau, phiền muộn và đắm chìm trong nỗi ghê sợ bao quanh mình, Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sức mạnh để viết nên những câu thơ trong trẻo và đẹp đẽ... Những bài thơ ngắn được ông dệt nên một cách súc tích, trong bóng tối của phòng giam, bất chấp đói rét, khổ đau và bệnh tật. Nhà thơ và nhà cách mạng hòa quyện làm một trong ông” (trang 10).

         Cũng trong “Lời dẫn” viết tháng 10 năm 1977, Xosé Neira Vilas cho biết, vào năm 1974, ông đã dịch sang tiếng Galicia 11 bài thơ từ Nhật kí trong tù nhằm “...bày tỏ lòng kính trọng Bác Hồ. Sau đó, tôi bắt đầu dịch 89 bài còn lại cho đến khi tôi hoàn thành bản dịch cách đây vài ngày.”

Dịch giả Xosé Neira Vilas.

Xosé Neira Vilas sinh năm 1928 tại Gres, Tây Ban Nha. Năm 1949, ông di cư đến Buenos Aires (Argentina) và trở thành người tập hợp giới trí thức gốc Galicia ở châu Mĩ - Latinh. Năm 1957, Xosé Neira kết hôn với nữ nhà văn Cuba, gốc Galicia, Asia Miranda (1932 - 2009) ở Argentina và thành lập công ti “Follas Novas”, xuất bản và phát hành sách viết bằng tiếng Galicia ở Mĩ - Latinh. Năm 1961, hai người chuyển đến La Habana và tiếp tục sự nghiệp quảng bá và phát triển văn hóa, ngôn ngữ Galicia ở Cuba và châu Mĩ - Latinh. Năm 1969, ông thành lập Bộ phận tiếng Galicia trực thuộc Viện Văn học và ngôn ngữ Cuba và làm Giám đốc trong 22 năm liền. Từ năm 1983 đến khi nghỉ hưu, ông làm Tổng biên tập tạp chí thiếu nhi Zunzún. Trong 31 năm sống ở Cuba, sự nghiệp sáng tác văn học của Xosé Neira nở rộ và đưa ông trở thành một trong những tác giả Galicia thành công nhất.

         Sau 31 năm sống ở Cuba, năm 1992 Xosé Neira và Asia Miranda chuyển về quê nhà Gres, thành lập và điều hành Quỹ mang tên ông: Fundación Xosé Neira Vilas (1993), với mục đích quảng bá và phổ biến văn hóa Galicia. Trụ sở của quỹ chính là ngôi nhà ông được sinh ra và thừa kế, đã trở thành một bảo tàng dân tộc học và một thư viện công cộng với 8.500 đầu sách. Hằng năm Fundación Xosé Neira Vilas còn trao hai giải thưởng của quỹ là Giải Arume cho thơ và Giải Estornela cho sân khấu dành cho trẻ em.

Xosé Neira Vilas đã được nhận rất nhiều giải thưởng danh giá của Cuba, Galicia và Tây Ban Nha. Ông mất ngày 27/11/2015. Tang lễ ông được chính quyền Galicia cử hành trọng thể và quyết định để tang ông 3 ngày nhằm tưởng nhớ những đóng góp của ông cho quê hương.

Với việc sưu tầm và giới thiệu hai bản dịch đã được xuất bản cách đây gần nửa thế kỉ này, chúng tôi hi vọng rằng các nhà nghiên cứu cũng như những ai trân trọng, yêu thích Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục quan tâm, sưu tầm thêm những bản dịch khác còn chưa được biết đến và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Nhân đây, xin chân thành cảm ơn Sharon Gal Novak từ Viện Dịch thuật văn học Hebrew, Israel và Fernando Redondo Neira từ Quỹ Fundación Xosé Neira Vilas, Galicia đã cung cấp và dịch sang tiếng Anh cho người viết một số tư liệu bằng chữ Hebrew và chữ Galicia về hai bản dịch và hai dịch giả.

 V.X.Q

                   (Dẫn theo http://vannghequandoi.com.vn/binh-luan-van-nghe/hai-ban-dich-nhat-ki-trong-tu-chua-duoc-biet-o-viet-nam_15272.html)


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn