THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
GV chỉ ra những sai lầm phổ biến của HS khi làm bài Ngữ văn ở kỳ thi tốt nghiệp
Cập nhật lúc: 18/04/2024
GDVN -Để phần trả lời đáp ứng được yêu cầu cả về nội dung lẫn hình thức, bên cạnh lượng kiến thức cần ôn tập, học sinh phải chú trọng phần kỹ năng trình bày bài thi. Ngữ Văn là môn thi tự luận duy nhất trong tất cả các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Để đạt điểm cao với môn Ngữ văn, ngoài việc nắm vững kiến thức, học sinh cần phải chú ý về vấn đề diễn đạt, cách thức trình bày.
 Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (chuyên gia đánh giá đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn) cho biết: Căn cứ vào định hướng ôn tập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cũng như đề tham khảo vừa công bố vào cuối tháng 3 vừa qua, có thể khẳng định cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2024 vẫn được giữ ổn định như một vài năm gần đây.

Đề thi gồm có 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn (nghị luận xã hội và nghị luận văn học).

Với phần Đọc hiểu, học sinh cần rèn kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi nhận biết (thường liên quan đến việc xác định thể thơ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ hoặc yêu cầu truy xuất thông tin từ ngữ liệu) và câu hỏi vận dụng (thường đặt ra yêu cầu nêu thông điệp/ bài học rút ra từ ngữ liệu hoặc đánh giá, nêu quan điểm về một vấn đề trong ngữ liệu).

Với dạng câu hỏi đòi hỏi kiến thức cơ bản và trình bày ý kiến cá nhân như đã nêu trên, thí sinh hoàn toàn có thể lấy được số điểm từ 1.5 - 2 điểm.

Phần Làm văn, học sinh cần thực hiện đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học với bố cục rõ ràng. Trong câu mở đoạn nghị luận xã hội và mở bài của nghị luận văn học, các em cần ghi lại chính xác, đầy đủ vấn đề cần nghị luận (yêu cầu đề). Đáp ứng được điều này, thí sinh nhiều khả năng sẽ có được 0.5 điểm cho mỗi phần.

Lưu ý khi triển khai phần nghị luận xã hội

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi cho rằng, cách triển khai một đoạn văn nghị luận xã hội trong bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn không khó. Học sinh cần lưu ý một số điều.

Thứ nhất, cần phân biệt rõ dạng đề. Thực sự chỉ có hai dạng đề liên quan đến việc viết đoạn nghị luận xã hội. Dạng thứ nhất là nêu ý nghĩa/vai trò/tác dụng/sức mạnh/giá trị/tầm quan trọng của một vấn đề, dạng thứ hai là nêu giải pháp/những việc cần làm cho một vấn đề. Mỗi dạng đề như vậy sẽ có bố cục triển khai tương ứng. Xác định đúng dạng đề chính là cách tiếp cận chính xác nhất để triển khai đoạn văn.

Thứ hai là đảm bảo số lượng ý. Do dung lượng hạn chế (200 chữ) nên học sinh cần tập trung vào yêu cầu đề và cố gắng nêu rõ 3 luận điểm, chẳng hạn với yêu cầu nêu ý nghĩa thì sẽ chỉ nêu 3 ý nghĩa, yêu cầu nêu những việc cần làm thì cũng chỉ nêu 3 việc.

Học sinh không nên triển khai phần giải thích vấn đề và bàn bạc mở rộng theo kiểu bài văn. Điều này vừa mất thời gian vừa khiến đoạn văn xa rời yêu cầu đề.

Thứ ba là chỉ báo về thứ tự các ý. Để giúp nêu bật các ý chính trong đoạn văn, học sinh cần lưu ý bổ sung các chỉ báo về thứ tự trước khi nêu các ý, chẳng hạn như “Đầu tiên/Thứ nhất,...”; “Tiếp đến/Thứ hai,...”; “Cuối cùng/Hơn hết/Quan trọng nhất,…”. Việc này tuy đơn giản nhưng học sinh không nên xem thường bởi chính những chỉ báo này sẽ giúp giám khảo xác định dễ các nội dung để cho điểm đoạn văn của các em.

Thứ tư, nghị luận cần lý lẽ và dẫn chứng. Do vậy, mỗi ý được nêu ra cần phải có lí lẽ hoặc dẫn chứng kèm theo để thêm chặt chẽ, thuyết phục.

Bí quyết làm bài nghị luận văn học

Riêng với phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững kiến thức liên quan đến tác giả (đánh giá chung), tác phẩm (thời điểm sáng tác, xuất xứ, những nội dung nổi bật/ý chính quan trọng, đặc sắc nghệ thuật). Việc hệ thống hóa kiến thức theo những vấn đề trên sẽ giúp các em có được thêm từ 0.5 - 1.0 điểm cho bài thi.

Để có một bài nghị luận văn học đi đúng trọng tâm, thầy Khôi chỉ ra một số “tips” hữu ích.

Đầu tiên, mở bài gián tiếp sẽ gây ấn tượng hơn cách triển khai trực tiếp. Do vậy, bên cạnh việc cần phải nêu bật yêu cầu đề và đầy đủ những nội dung giáo khoa cần thiết (nhận xét về cách viết hoặc đánh giá về vị thế của tác giả, thời điểm ra đời và xuất xứ của tác phẩm, …), việc tìm và học thuộc một nhận định, đánh giá về tác giả hoặc tác phẩm để bắt đầu mở bài sẽ rất giá trị.

Tiếp theo, một nhược điểm trở đi trở lại ở nhiều thế hệ học sinh là các đoạn phân tích từng luận điểm trong bài văn chưa có sự gắn kết với nhau. Điều này làm giảm tính mạch lạc trong triển khai ý, khiến nội dung phân tích có vẻ rời rạc, các luận điểm chưa được sáng rõ, gây khó khăn ít nhiều cho người chấm thi.

Muốn khắc phục được điều này, học sinh cần lưu ý việc phải viết câu mở đầu đoạn và kết thúc đoạn sao cho vừa nêu bật được luận điểm vừa kết nối với luận điểm sắp phân tích.

Thêm vào đó, nhiều địa phương quy ước điểm sáng tạo trong bài văn nghị luận văn học là bài viết có phần so sánh nội dung đang phân tích với nội dung tương đồng trong tác phẩm khác.

Do vậy, trong quá trình ôn tập, học sinh cần liên hệ, so sánh hợp lí một số nội dung giữa những tác phẩm sẽ thi với nhau hoặc những tác phẩm khác đã học/đã đọc.

Cuối cùng, học sinh cần nắm chắc từ khóa để chuẩn bị cho phần nhận xét ngắn. Học sinh khó có thể dự đoán được người ra đề sẽ có yêu cầu gì vì thực ra rất nhiều nội dung trong từng tác phẩm có thể triển khai nhận xét.

Dẫu vậy, trong quá trình ôn tập, học sinh vẫn có thể liệt kê một số nội dung quan trọng kèm từ khóa của nó để có kinh nghiệm xử lý trong bài thi.

Trong phần nghị luận văn học, học sinh thường có suy nghĩ viết càng dài, điểm càng cao. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm hướng dẫn ôn thi, cô Nguyễn Thúy, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình cho biết: Dung lượng cũng rất quan trọng đối với môn Ngữ văn nhưng không phải là yếu tố chính để đánh giá chất lượng của bài thi.

Dung lượng quan trọng vì qua dung lượng có thể thấy được kiến thức phong phú, khả năng viết và sự say mê trong bài thi của học trò.

Tuy nhiên, nếu viết dài mà lan man, không đúng trọng tâm thì lại là điểm trừ rất lớn của bài viết. Ngắn gọn nhưng đủ ý, sâu sắc lại là điều dễ chinh phục người chấm.

Vì vậy, điều quan trọng nhất để đánh giá chất lượng thực sự của bài viết là: Trò có giải quyết đúng vấn đề không? Có phân tích, cảm nhận, nhìn nhận vấn đề thấu đáo không? Có cảm xúc trong lời văn cách diễn đạt không?…

Những sai lầm phổ biến của học sinh khi làm bài Ngữ văn

Về bí quyết làm bài thi, thầy Khôi cũng chỉ ra một số sai lầm phổ biến mà học sinh thường hay mắc phải trong quá trình làm bài môn Ngữ văn.

Thầy Khôi cho biết, nhiều học sinh vẫn chưa biết phân bố thời gian hợp lý cho các nội dung làm bài. Thầy gợi ý các thí sinh dành 25 phút cho phần đọc hiểu, 20 phút cho phần nghị luận xã hội, 60 phút cho phần nghị luận văn học và 15 phút cho phần kiểm tra, chỉnh sửa các lỗi nhỏ trong bài thi (nếu có).

Tiếp đó, bài làm của các thí sinh đôi khi không tập trung vào những phần dễ lấy điểm.

Chẳng hạn trong phần làm văn, cần đảm bảo về hình thức đoạn văn nghị luận xã hội (0.25 điểm); đảm bảo về cấu trúc bài văn nghị luận văn học (0.25 điểm); xác định và nêu đúng vấn đề cần nghị luận xã hội (0.25 điểm); xác định và nêu đúng vấn đề cần nghị luận văn học (0.25 điểm); giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm); nêu được đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích cần phân tích trong câu nghị luận văn học (0.5 điểm)

Về cách thức trình bày, phần trả lời của nhiều học sinh chưa đúng yêu cầu cả về nội dung lẫn hình thức.

Để phần trả lời đáp ứng được yêu cầu cả về nội dung lẫn hình thức, bên cạnh lượng kiến thức cần ôn tập, học sinh phải chú trọng phần kỹ năng trình bày bài thi.

Đoạn văn nghị luận xã hội sẽ có dạng nêu ý nghĩa/vai trò/tác dụng/sức mạnh/giá trị/tầm quan trọng của một vấn đề hoặc dạng nêu giải pháp/những việc cần làm cho một vấn đề. Các em có thể tổng hợp bảng hướng dẫn trả lời cho các dạng câu hỏi để dễ dàng nắm bắt yêu cầu đề bài

Bài văn nghị luận văn học có chung yêu cầu phân hóa (phần nhận xét ngắn) nhưng cơ bản tập trung vào 2 dạng: phân tích đoạn thơ hoặc phân tích đoạn trích văn xuôi. Mỗi dạng đề như vậy sẽ có bố cục triển khai tương ứng mà các em cần nắm vững để hình thành một bài thi tốt, sáng rõ, có tiềm năng đạt kết quả tốt.

Gửi gắm lời khuyên đến các sĩ tử trước mùa thi, cô Thúy chia sẻ: Về kiến thức và kĩ năng, học sinh cần rà soát lại các mảng kiến thức, phần nào chưa ổn, cần đầu tư để học, ít nhất kiến thức cơ bản phải chắc.

Học sinh nên tham gia các buổi thi thử ở trường, ở các trường bạn, khảo sát trên lớp để rèn tâm lý thi cử, đồng thời được các thầy cô chấm, chữa bài sẽ bật lên rất nhanh; không nên có tư tưởng học tủ vì đây là kỳ thi không chấp nhận may rủi.

Về sức khỏe, học sinh cần ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khoẻ vì thường giai đoạn này các bạn sẽ thức khuya dậy sớm, thời gian đi học thêm để ôn thi rất nhiều, sức khoẻ cần phải đảm bảo.

Cần phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý để tránh tình trạng làm việc triền miên sẽ mệt mỏi về thể chất. Có thể dành thời gian tập thể dục, đi chơi cùng gia đình, nghe nhạc…Thể chất tốt, trí tuệ sẽ minh mẫn hơn, năng lượng sẽ dồi dào hơn.

Về tâm lý, trong chặng cuối cùng, học sinh thường chịu áp lực lớn khi thời gian ngày một cạn dần. Khối lượng kiến thức của các môn ngày càng nhiều…Vì vậy, cần luôn giữ sự bình tĩnh và làm chủ cảm xúc của bản thân. Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp để có thêm động lực cho mình.

                     (Chu Anh, dẫn theo https://giaoduc.net.vn/gv-chi-ra-nhung-sai-lam-pho-bien-cua-hs-khi-lam-bai-ngu-van-o-ky-thi-tot-nghiep-post242202.gd)

 


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn