THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Một tấm gương giàu nghị lực cần giúp đỡ
Cập nhật lúc: 24/08/2018
Ngồi trước mặt chúng tôi, không còn là cậu học trò bỡ ngỡ, rụt rè ngày nào. Mà giờ đây, đã là chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng trưởng thành hơn rất nhiều. Đó cũng là niềm tự hào của bản thân, gia đình em và những người làm thầy làm cô như chúng tôi.
            Chúng tôi đến thăm cậu học trò Huỳnh Văn Giữ vào một ngày đầu tháng tám, khi mà những cơn mưa giữa mùa thu vẫn còn nặng hạt. Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông mới gần năm mươi tuổi, mái đầu đã điểm hoa râm, thân hình khắc khổ để lộ nỗi nhọc nhằn, lam lũ. Đó là cha của Giữ, hiện đang làm nhà máy xay xát gạo tại Tổ 02 ấp Thạnh Tân, Xã Thạnh Hưng, Huyện Giồng Riềng. Qua lời kể của ông, chúng tôi không giấu được nỗi sự xúc động và cảm phục gia đình ông và cậu học trò của mình. Sinh ra trong một gia đình nhà nông nhưng  có chỉ 2 công ruộng, lớn lên phải làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Thế nhưng cuộc sống vẫn chật vật thiếu thốn đủ bề. Rồi đến tuổi lập gia đình, những tưởng lấy vợ để ổn định, vợ chồng dựa vào nhau tu chí làm ăn, may ra ông trời cho khá. Ngày 12 tháng 04 Năm 1992, có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của vợ chồng ông. Đó là ngày cậu con trai đầu lòng khôi ngô, tuấn tú chào đời. Niềm hạnh phúc ấy đã làm vơi đi bao khốn khổ, nhọc nhằn của vợ chồng ông. Ông đặt cho cậu con trai một cái tên rất giản dị mà vô cùng ý nghĩa – Huỳnh Văn Giữ. Cái tên đã phần nào nói lên ước nguyện bé nhỏ của vợ chồng ông.

Câu chuyện đang bắt đầu với cuộc đời của Giữ thì em cũng về tới. Vẫn cử chỉ điềm đàm, lễ phép nhưng so với trước em đã chững chạc hơn nhiều.

          Con chào thầy! Con chào cô! Dù phát âm khó khăn, song bao giờ Giữ cũng vui vẻ, nói cười, câu chữ bao giờ cũng phải rõ nghĩa, câu chuyện phải trọn ý. Giữ khoe vừa mới đi thăm rẫy về, thu hoạch được ít đậu đũa, dưa leo do chính tay em trồng, mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm với gia đình. “Đấy thầy cô thấy đấy, siêng lắm, tốt bụng lắm. Tốt nghiệp rồi, ở nhà than buồn, nhà không có đất, cứ ra phở hoang mấy miếng đất trống dọc bờ kênh để trồng rẫy, rồi ai không có thì cho. Thế mà có cả rau cho mẹ đi bán nữa đấy”. Giữ cười hồn nhiên, hãnh diện. Ông Bình – cha của Giữ tiếp tục câu chuyện. Cháu nó sinh ra mới có bảy ngày tuổi bị nhiễm trùng rốn, chuyển ra bệnh viện đa khoa Giồng Riềng thì bác sĩ trả về cho gia đình. Lúc này cả gia đình như ngã quỵ. Nhưng bà ngoại nói “còn nước còn tát”, ngoại bế  ra bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. Bác sĩ tiếp hơn một xị máu của cha, nhưng chưa đủ tiếp một xị máu nữa của bà ngoại mới qua cơn nguy kịch. Đến 4 tuổi mới biết đi tập chững. Theo biên bản giám định số 119 ngày 25/05/2005 của hội đồng giám định y khoa tỉnh Kiên Giang sức khỏe giảm 81%. “Dù sức khỏe thua kém bạn bè cùng trang lứa, nhưng cháu rất ham học” – ông Bình kể với giọng phấn khởi, tự hào.

       Về tinh thần học tập của em, không chỉ riêng gia đình, mà chúng tôi cũng rất đỗi tự hào. Năm 2009 – 2010 em trúng tuyển vào trường THPT Giồng Riềng. Tháng 6/2013 em tốt nghiệp ra trường. Năm 2013, trúng tuyển vào trường Cao đảng cộng đồng Kiên Giang. Trong suốt thời gian theo học phổ thông và Cao đẳng, Giữ luôn nhận được sự tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của thầy cô, bạn bè, các tổ chức chính quyền cũng như mạnh thường quân. Quan tâm không phải bởi sự đặc biệt của em mà bởi một nghị lực vượt khó và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến. Trong thời gian đi học, em đã tranh thủ đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này, vừa kiếm thêm thu nhập. Một điều rất đáng khâm phục nữa là cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức từ thiện thì Giữ đã tự túc được toàn bộ chi phí học Đại học của mình.

            Ngồi trước mặt chúng tôi, không còn là cậu học trò bỡ ngỡ, rụt rè ngày nào. Mà giờ đây, đã là chàng sinh viên vừa tốt nghiệp Cao đẳng trưởng thành hơn rất nhiều. Đó cũng là niềm tự hào của bản thân, gia đình em và những người làm thầy làm cô như chúng tôi.

Trong câu chuyện có buồn có vui của ông Bình, chúng tôi vẫn thấy rõ nỗi lo âu, phấp phỏng hiện lên trong những nếp nhăn. Nhà không có đất canh tác, bản thân ông phải đi làm thuê, làm mướn. Bà Nga – vợ ông, hằng ngày bán rau trên sông. Cậu em trai của Giữ đã có vợ, sống chung với gia đình cũng đi làm thuê. Bản thân Giữ tốt nghiệp Đại học đã mấy tháng nay, nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng chưa có chổ nào nhận. Đó cũng chính là nỗi lo âu, phấp phỏng của em và gia đình. Cha mẹ đã đến tuổi xế chiều, em trai cũng có cuộc sống riêng, gia đình chỉ mong mỏi cho em cho một công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân.

Chúng tôi rất mong các cơ quan và chính quyền địa phương xem xét giúp đỡ, tạo điều kiện cho em có một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ em Huỳnh Văn Giữ Tổ 02 ấp Thạnh Tân, Xã Thạnh Hưng, Huyện Giồng Riềng, Tỉnh Kiên Giang, email: giugiongrieng@gmail.com, điện thoại: 0946109284.

Nguyễn Hồng Quân- GV Ngữ văn trường THPT Giồng Riềng


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn