THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Phương pháp kế thừa và phát triển của Hồ Chí Minh
Cập nhật lúc: 01/12/2015
Về nhân cách, phong cách, tác phong cách mạng thì kế thừa và phát triển là sự kết tinh tài tình tinh hoa văn hóa dân tộc và trí tuệ thời đại của Hồ Chí Minh. Thành công đó của Người đã tạo nên 3 trong 6 tiêu chí mà tổ chức văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại:

1. Hồ Chí Minh là người có học vấn uyên thâm, uyên bác, tích tụ nhiều lĩnh vực, biết nhiều nền văn hóa: Nói chuyện được với mọi tầng lớp trong xã hội như nông dân, chính khách, nhà khoa học... Những đối tượng khi được tiếp xúc với Người dù là ai thì bao giờ cũng có những nhận thức mới về thế giới (đặc biệt Người nói chuyện bằng ngôn ngữ chính của đối tượng; Người thông thạo được nhiều thứ tiếng: Trung, Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha,..).

2. Hồ Chí Minh kết tinh được những giá trị truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam: Giá trị truyền thống nhân nghĩa; Giá trị khoan dung của Việt Nam; Văn hóa ứng xử của người Việt Nam: biết Biến-Hóa-Dừng; ứng xử với con người, biết mình, biết người, biết thời, biết dừng, biết biến.

      3. Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất bởi vì Người là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa.

       Phương pháp kế thừa và phát triển đã được Hồ Chí Minh nhận thức và thực hiện thành công từ rất sớm. Nó là một trong các động lực cách mạng quan trọng của sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh.

      1) Từ những năm 20 của thế kỷ XX, khi quan sát thấy Chính phủ Trung Quốc do Tôn Trung Sơn đứng đầu làm điều sai trái loại bỏ các nghi lễ thờ cúng Khổng Tử, Hồ Chí Minh đã viết bài phê phán điều sai lầm ấy và kêu gọi các chiến sỹ cách mạng Việt Nam ngày ấy rằng: “Với việc xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử, Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về cách mạng cần đọc các tác phẩm của Lênin”[1].

     Năm 1945, sau khi đọc “Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, chiều 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trịnh trọng tuyên bố: “Vấn đề thứ sáu – Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết[2]. Sau này trong “Thư gửi Hội Phật tử ngày 30/8/1947” và trong “Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Cộng sản Việt Nam 3/3/1951”[3] và nhiều bài nói bài viết khác, Người cũng thường khẳng định lại lập trường đó.

        Trong sắc lệnh số 5 ký ngày 23/11/1945 ở điều 4, Người cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, hoặc những nơi thờ tự khác: cung điện, thành quách, lăng mộ chưa được bảo tồn. Người xem đó đều là di sản văn hóa của dân tộc mà trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ, phát huy những giá trị tích cực của nó vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Trong “Thư gửi đồng bào nhân lễ Thiên chúa giáng sinh” năm 1945,  Người viết: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng.

        Trong lúc này, thực dân Pháp gây cuộc chiến tranh, chúng mong cướp nước ta lần nữa. Chúng làm trái hẳn với lòng bác ái của Đức Giêsu.

        Toàn thể đồng bào ta, không chia lương giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng để giữ gìn quyền tôn giáo tự do”[4].

       Trong quan niệm của Người, các vị sáng lập ra các tôn giáo đều là các vĩ nhân, các đấng chí tôn[5], nêu các tấm gương sáng về nhân văn, nhân đạo cho hậu thế muôn đời. Người đã từng khẳng định “Thiên chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái”[6]. Người đã viết và ca ngợi "Đức Thiên Chúa là tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình, vì công lý"[7]. Người cũng đã viết và ca ngợi "Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma"[8].

       Năm 1948, trong bài “Bệnh tự kiêu, tự ái”, Bác viết: “Xưa nay những bực tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may.

        Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi.

       Lời đầu tiên của cụ Khổng trong sách Luận ngữ, là: "Học mà thường tập, chẳng cũng vui lắm thay".

        Lời cụ Lê thường thường nhắc nhủ mọi người, là: "Học, học nữa, học mãi". Và "phải học hỏi quần chúng"[9].

         Khi bàn về công tác huấn luyện, Người lại dặn: “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: "Học, học nữa, học mãi". Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu "Học không biết chán, dạy không biết mỏi" treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học.

        "Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại". Lênin dạy chúng ta như vậy”[10].

         Trong “Bài nói chuyện ở lớp chỉnh Đảng trung ương khóa 3”, Người lại nói: “Trong khi rỗi, Bác thường đọc sách, sách mới có, cũ có. Hôm nay Bác nói một câu chuyện về sách cũ.

Ngày xưa Khổng Tử có câu: "ôn việc cũ để biết việc mới" nghĩa là ta phải ôn những việc đã qua để thấy việc mới”[11].

         Người đã từng trả lời câu hỏi “Người là ai?” rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, Ki tô giáo có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm chính là chính sách của nó phù hợp với những điều kiện của nước ta. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng... Tôi cố gắng làm một  học trò nhỏ của các vị ấy”[12].

        2) Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển các giá trị của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, rút ra bài học kinh nghiệm từ cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, tạo ra động lực cách mạng mới mà đưa dân tộc Việt Nam lên ngang tầm thời đại, và đến lượt dân tộc Việt Nam đã làm cho Người trở thành “Danh nhân văn hóa nhân loại”.

        Viết về điều này, các nhạc sỹ Việt Nam đã là những người đầu tiên và thành công nhất. Vào những năm giữa đầu thế kỷ XX, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết: “Từ làng Sen/ có một người trai chí lớn/ mang lý tưởng cách mạng/ giải phóng quê hương/ Ra đi/ tìm khắp bốn phương/ đường đi cho cả dân tộc/ dặm trường mà xông pha/...”. Từ hiện thực nghe hát đò đưa xứ Nghệ, vào thập niên 70 của thế kỷ XX, nhạc sĩ An Thuyên cũng đã viết: “Đêm trăng lên nghe tiếng/ đò đưa ngân rất gần/ nhớ chuyện Người thuở xa xưa…/ Tuổi ấu thơ Bác đã đi/ suốt chiều dài câu đò đưa/ Tuổi ấu thơ Bác đã sống/ suốt chiều rộng câu dân ca.../ Nay hát câu đò đưa, thấy đời đẹp mênh mang, càng nhớ Bác, nhớ ơn Người sâu nặng quê hương”. Những năm cuối thế kỷ XX, nhạc sỹ Trần Hoàn trong bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” lại mô tả: Trước lúc qua bên kia thế giới, Người muôn nghe một câu hò ví dặm, Người muốn nghe một câu hò Huế, Người muốn nghe một đôi làn quan họ. Bởi nước non day dứt không nguôi, Người muốn đem tận vô cùng bài ca đất nước đến mêng mông.

         Chính các kỷ niệm tuổi thơ với những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước đã tạo nên một Hồ Chí Minh – vị Cha già dân tộc – với một tình yêu nước thương dân vô hạn: “Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân/ Cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam/ Bác thương các cụ già, xuân về dâng biếu lụa/ Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công đêm đêm ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương/ Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn tình thương...” (Nhạc sĩ Thuận Yến trong bài “Bác Hồ - một tình yêu bao la” đã suy tư và khái quát như vậy); Đã tạo nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người cao hơn núi” như gắn liền với đất trời vũ trụ, giữa thủ đô gió ngàn cách mạng: “Suối reo dưới chân Người qua/ Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám/... Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ/ Bác ơi! Tóc sương bạc phơ/ Núi cao, suối sâu, thủ đô yêu dấu/ Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ Người” (Nguyễn Tài Tuệ - Tiếng hát giữa rừng PắcPó); Đã tạo nên Bác Hồ, “Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, “Bác như ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh/ Bác như vì sao sáng sáng giữa trời bao la”.

       3) Trong bài thơ “Bác ơi” (1969) nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?

Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bác đã lên đường nhẹ bước tiên

Mác - Lênin, thế giới Người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

        Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh là trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Người. Là kiên trì con đường và mục tiêu Người đã chỉ dẫn, đồng thời là sự vận dụng tinh thần và phương pháp kế thừa và phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát hiện ra những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, tìm ra những luận điểm mới, cách làm mới phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới. Là không đi chệch hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhưng không phải bám khư khư lấy những câu chữ của Người khi tình hình đã thay đổi.

        Nếu Lênin từng dạy, không có Chủ nghĩa Xã hội giống nhau cho mọi dân tộc. Chỉ có Chủ nghĩa Xã hội phù hợp với từng dân tộc. Thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng dạy, chủ nghĩa xã hội có mục tiêu, nguyên lý chung giống nhau, nhưng mỗi nước có đặc điểm lịch sử cụ thể khác nhau nên phương thức, biện pháp, bước đi cách làm khác nhau. Người nhắc nhở, việc học tập những kinh nghiệm nước ngoài  là rất cần thiết. Nhưng Người cũng nhấn mạnh: “Ta không thể không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”[13]. Làm khác với Liên Xô ta vẫn là mac-xit.

         Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết mở. Tư tưởng Hồ Chí Minh là những vấn đề mở. Cần vận dụng tư tưởng của Người vào công cuộc đổi mới một cách sống động, và bổ sung phát triển tư tưởng của Người bằng sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 2, trang 454.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 9.

[3] Sđd, Tập 5, Trang 197.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, trang 490.

[5] Xem Sđd, Tập 4, Trang 148, 490.

[6] Xem Sđd, Tập 5, Trang 333.

[7] Xem Sđd, Tập 4, Trang 121; Tập 5, tr 333; Tập 6, tr 137; Tập 7, tr 197.

[8] Xem Sđd, Tập 5, Trang 197.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 5, trang 514.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 6, trang 46.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, trang 68.

[12] Về Tôn giáo , Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994, Tập 1, Trang 6-7. Vũ Khiêu, Nho giáo xưa và nay, NXBKHXH, Hà Nội 1971, Tr 16.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, trang 227.

Sưu tầm


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn