THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Hồ Chí Minh - Người cộng sản đẹp
Cập nhật lúc: 11/07/2015
Ở gần Hồ Chí Minh, ôn lại cả cuộc đời, mọi việc làm lớn, nhỏ của Hồ Chí Minh, tôi thấy sáng tỏ: Hồ Chí Minh là một người cộng sán mẫu mực. Từ đó một ý nghĩ thi vị đến với tôi: Người cộng sản đẹp làm chủ nghĩa cộng sản đẹp, và chủ nghĩa cộng sản đẹp làm người cộng sản đẹp.

Người của sứ mệnh lịch sử:

Để hiểu sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đến với con người Hồ Chí Minh.

Tôi có may mắn được ở gần Hồ Chí Minh trong nhiều năm, qua nhiều giai đoạn của cách mạng Việt Nam, từ lớp huấn luyện chuẩn bị thành lập Đảng ở Quảng Châu, cho đến những tháng ngày cuối cùng trước khi Hồ Chí Minh qua đời.

Tôi bắt đầu gặp Hồ Chí Minh là qua một bức ảnh. Hồi đó, tôi học năm thứ tư thành chung ở trường Quốc học Huế. Một hôm, tôi được xem ảnh một người còn trẻ, đội mũ phớt tròn, là kiểu mũ thường dùng lúc bấy giờ ở Châu Âu. Con người trong ảnh toát ra sức hấp dẫn lạ lùng. Hồi đó, mọi người chuyền tay cho nhau xem ảnh đều biết là ảnh Nguyễn Ái Quốc, với những tin từ Pháp truyền về làm nổi bật hoạt động của Người ở Pháp.

Đây là sự kiện trong đời tôi. Lần đầu tiên, tôi tiếp xúc với Hồ Chí Mình. Những sự kiện về sau càng làm tôi có ấn tướng sâu sắc về lần đầu tiên ấy.

Hai năm sau, lúc tôi học năm cuối ở một trường trung học lớn của Pháp tại Hà Nội, nhân dịp để tang cụ Phan Chu Trinh, phần lớn học sinh bãi khoá. Tôi vui lòng bãi khóa. Sau khi bỏ trường, tới tiếp xúc với những người đang bắt liên lạc với những học sinh yêu nước muốn đi tìm con đường cách mạng cứu nước, và được đưa cùng với mấy chục người phần lớn là học sinh Hà Nội, Nam Định và nhiều tỉnh khác qua biên giới Lạng Sơn đến Quảng Châu. Lúc ấy Quảng Châu là một trung tâm của cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc. Tôi đến Quảng Châu mùa thu năm 1926, dự lớp do Nguyễn Ái Quốc, lấy tên là đồng chí Vương cùng một số nhà cách mạng Việt Nam khác giảng dạy và quản lý. Lúc gặp lần đầu ở lớp, tôi nhận ra ngay Nguyễn Ái Quốc bởi lẽ đã nhìn thấy ở Huế bức ảnh của Người.

Điều đáng nhấn mạnh ở đây, đối với tôi là kỷ niệm lớn trong đời, là những cuộc gặp gỡ giữa tôi và Hồ Chí Minh ngày càng khắc sâu trong ký ức, tình cảm, tâm hồn tôi là hình ảnh một con người trước sau vẫn là một, mặc dầu sau đó chúng tôi trải qua biết bao biến đổi và sóng gió ở nước ta và trên thế giới.

Tất nhiên, những biến đổi đó cũng làm nên những biến đổi trong con người chúng tôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh là Hồ Chí Minh bấy giờ và Hồ Chí Minh cuối đời cũng là con người ấy, cũng dáng dấp ấy, một con người mà lúc gặp ngay buổi đầu ai nấy đều thấy rõ đây là một con người rất giản dị, rất hiền từ, có sức hấp dẫn lạ thường đối với người xung quanh, và để lại cho người ta những ấn tượng sâu sắc, mà nhiều người đã kể.

Lần thứ hai tôi gặp Hồ Chí Minh là ở Côn Minh, quãng giữa năm 1940, lần ấy tôi cùng đi với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lúc gặp, tôi nhận ngay ra Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh cũng nhận ngay ra tôi. Hồ Chí Minh nói :

- Chú không có gì thay đổi.

It lâu sau, Hồ Chí Minh cùng chúng tôi vượt biên giới Việt - Trung về Cao Bằng. Từ đó, cho đến khi Hồ Chí Minh qua đời, tôi được làm việc ở cạnh Hồ Chí Minh, trừ hai năm đầu kháng chíến chống Pháp, khi ấy tôi được cử vào miền nam Trung Bộ.

Nhờ chứng kiến hoạt động và chia sẻ cuộc sống của Hồ Chí Minh một thời gian dài, tôi dần dần hiểu biết thêm về con người Hồ Chí Minh. Một dân tộc một thời đạí một sự nghiệp thống nhất với nhau sản sinh ra và kết tinh ở một con người, đó là bản chất và tầm vóc của Hồ Chí Minh.

Thường thường, khi con người biết mình là một nhân vật quan trọng thì không phải lúc nào cũng hồn nhiên và chân thật. Hồ Chí Minh không như vậy. Suốt đời mình, trong việc lớn cũng như việc nhỏ Hồ Chí Minh bao giờ cũng chân thực.

Hồ Chí Minh là một con người phi thường và xuất chúng. Tuy nhiên, khi gặp Hồ Chí Minh mọi người cảm thấy như thân thuộc từ lâu. dễ dàng nói chuyện cởi mở, tự nhiên, không chút nào cách bức. Chính những người khách ngoại quốc rất thích thú nhấn mạnh điểm này.

Chất con người Hồ Chí Minh là chất Việt Nam, chất cách mạng chất cộng sản, chất nhân văn, tất cả gặp gỡ hoà quyện trong một con người và được nâng lên do sứ mệnh lịch sử của con người đó.

Trước hết tôi muốn nói quan điểm của Hồ Chí Minh về cuộc sống của con người. Đây là nhân sinh quan và thế giới quan của chủ nghĩa cộng sản mà những người sáng lập học thuyết Mác - Lênin đã nói rất nhiều, trong nhiều tác phẩm, dưới nhiều dạng. Tôi nghĩ không cần nhắc lại hoặc bình luận. Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong cả thời gian ở bên cạnh, cùng làm việc và học tập Hồ Chí Minh, càng ngày tôi càng nhận rõ, và hôm nay ôn lại tôi càng thấy sáng tỏ hơn, Hồ Chí Minh là hiện thân của nhân sinh quan và thế giới quan cộng sản chủ nghĩa, thể hiện trong cuộc sống, trong hành động, trong mọi trường hợp của một cuộc đời biết bao phong phú.

Tôi còn nhớ như in trong ký ức của mình những lúc Bác, cháu tâm sự với nhau về cuộc sống, về sự nghiệp cách mạng, về con người, về tưởng lai của loài người. Bác thường nói với tôi : "Nói chung ở đâu cũng vậy, ở nước ta và trên thế giới, người ta sống trong xã hội này, chịu ảnh hưởng lâu đời của giai cấp thống trị, cho nên lẽ tất nhiên ai nấy đều đuổi theo cái danh và cái lợi. Còn chúng ta thì khác. Sứ mạng của chúng ta là cải tạo cái thế giới này, tiến tới thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản".

Về những mục tiêu ấy, nhiều lần Bác có nói với tôi những ý, gộp lại thì hoàn toàn đúng với hai mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản mà Mác đã thể hiện một cách đầy đủ, sáng tỏ và đẹp đẽ vô cùng: Khi những nguồn của cải tuôn chảy thật dồi dào, khi đó và chỉ khi đó, loài người có thể ghi trên ngọn cờ của mình khẩu hiệu: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, và: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của tất cả moi người".

Hồ Chí Minh là con người của lòng tin không gì lay chuyển nổi vào tương lai dân tộc và loài người, vào chủ nghĩa xã hội. Đó là cái chất không bao giờ biến đổi để ứng phó linh hoạt với muôn vàn biến đổi của một sự nghiệp đầy sóng gió.

Hồ Chí Minh là người suốt đời nhất quán nhằm mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự tập trung vào mục tiêu thể hiện trong hoạt động chính trị, thấm nhuần trong cuộc sống hàng ngày. Không khí tinh thần tỏa ra xung quanh Hồ Chí Minh, làm cho con người thấy được sự thanh khiết và nâng lên, là sự chí công vô tư lo toan vì dân, vì nước, vì lý tưởng. Cả trong những việc mình chủ động làm, cũng như trong những việc tình thế buộc mình phải tham gia, bao giờ Hồ Chí Minh cũng tìm được cách lái chiều hướng của mọi việc vào mục tiêu đã chọn. Biện pháp thì thiên biến vạn hóa, con đường có thể khúc khuỷu, quanh co, nhưng mục tiêu bao giờ cũng chỉ một và nhất quán.

Nhằm mục tiêu đã chọn, Hồ Chí Minh là người kiên cường trong đấu tranh trước mọi quân thù, trước mọi khó khăn và truyền chí kiên cường ấy cho toàn Đảng, toàn dân tộc.

Mục tiêu nhất quán và chí khí kiên cường thể hiện trong hành động thiết thực và cụ thể. Mọi lời nói, mọi việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói và làm, thường làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động. Hồ Chí Minh là người luôn luôn nhằm hiệu quả thiết thực, dám nghĩ và dám làm những việc lớn lạ lùng, nhưng không viển vông, không ảo tưởng, không nóng vội.

Tĩnh như núi, động như biển.

Hồ Chí Minh là người năng động và linh hoạt trong ứng biến, minh triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ. Hoàn cảnh càng nguy hiểm, khó khăn, Hồ Chí Minh càng bình tĩnh, sáng suốt. Giải pháp đúng đắn đến thần tình thường bật ra trong một phản ứng tự nhiên, như từ trực giác cách mạng. Bản lĩnh ứng biến năng động và linh hoạt đi đôi với sự minh triết và thanh thản trong tâm hồn, sự ung dung, thoải mái trong phong độ. Hồ Chí Minh hoàn toàn không theo kiểu hiền triết thời xưa, coi mọi thứ trên đời đều là phù du, không đáng kể. Hồ Chí Minh luôn luôn sống giữa cuộc đời và đúng như câu phương ngôn mà Mác ưa thích, không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ. Phong độ ung dung của Hồ Chí Minh là phong độ của người nhận thức được quy luật của lịch sử, tin ở nhân dân và có nhân dân, con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch, con người tĩnh như núi, động như biển, nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể.

Như viết trong Di chúc, Hồ Chí Minh không có điều gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này. Con người suốt đời sống hòa hợp với nhân dân, với lịch sử và với chính mình, luôn luôn có sự thanh thản, ung dung của người chiến sĩ trí tuệ vượt trên hoàn cảnh, trách nhiệm làm tròn và lương tâm trong sáng.

Hồ Chí Minh là người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất: thương yêu, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và biết phát huy con người, đối với dân tộc Việt Nam và đối với các dân tộc trên thế giới, đối với đông đảo nhân dân lao động và đối với từng người.

Từ lúc còn hoạt động bí mật cho đến sau này khi đã có cả cơ đồ của một quốc gia, Hồ Chí Minh quan tâm săn sóc tư tưởng, công tác, đời sống của từng người đồng chí, việc ăn, mặc, ở, học hành, giải trí của từng người dân, không quên, không sót một ai, từ những người bạn thở hàn vi đến những người quen mới, có quên chăng thì chỉ quên mình. Người suốt đời vun trồng người tốt, việc tốt ấy, vui mừng và phấn khởi đón nhận từng tin vui, biểu dương trong các hội nghị và thích thú kể lại với bạn bè quốc tế những chiến công và thành tích của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong kháng chiến và xây dựng đất nước. Đó là niềm hạnh phúc thanh cao và rộng lớn tràn đầy cuộc đời Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh luôn luôn là hiện thân của tình thân ái, làm cho người ta dễ gần, dễ nói chuyện thân tình và cởi mở. Hồ Chí Minh để lại cho người đối thoại niềm hân hoan vô hạn. Trong nhiều năm ở gần Hồ Chí Minh, không một trường hợp nào tôi thấy Bác bực tức ra mặt, làm tổn thương dù một thoáng qua người đồng chí của mình. Đây là điều đến bây giờ hồi tưởng lại tất cả, tôi lấy làm ngạc nhiên vô cùng.

Về cá nhân tôi, tôi thấy cần phải nói ra đây một câu chuyện khiến cho đến bây giờ, sau nhiều thập kỷ, tôi vẫn còn xúc động. Đây là một lầm lỗi của tôi, có ảnh hưởng không hay đến một việc Bác dự định làm. Mặc dầu vậy, Bác chỉ nói với tôi vẻn vẹn có một câu: "Chú làm hỏng việc". Phải là một con người giàu lòng khoan dung độ lượng mới có thể xử sự một cách nhân ái như vậy. Chính thái độ này là một bài học mãi mãi ghi sâu trong ký ức tôi.

Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Chí Minh thể hiện trong thái độ đối với từng con người, lo toan trước hết cho những người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất, chia sẻ đau buồn với những người mất mát, tìm cách đền đáp cho những người thiệt thòi, bao dung độ lượng với những thành thật hối cải. Hồ Chí Minh luôn luôn nói những lời, làm những việc mà mỗi người lao động chờ mong, cảm hóa được nhân sĩ, trí thức, thuyết phục được người do dự, phân vân, trân trọng từ các cháu thanh niên và thiếu nhi, chan hòa gần gũi với những người giúp việc quanh mình, nâng niu từng nhân cách.

Lòng thương yêu và kính trọng đi đôi với những đòi hỏi rất cao đối với con người. Hồ Chí Minh đề ra những yêu cầu chặt chẽ, nghiêm khắc trong từng công việc, giữ trật tự và kỷ cương để phát huy khả năng của mọi người, khiến cho ai nấy đều vươn lên cố gắng hiến dâng tất cả khả năng của mình cho dân tộc và thực hiện toàn vẹn nhân cách của mình.

Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Chí Minh không chỉ là sống vì con người, suốt đời lo toan cho con người, càng không phải là làm ra và đem lại con người hưởng những điều con người mong muốn, mà là khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng, để con người tự mình làm ra tất cả.

Toàn thể nhân dân và từng người Việt Nam cảm thấy Hồ Chí Minh là người thân trong gia đình. Dù ở rất xa, có khi cả đời không có dịp gặp Hồ Chí Minh, ai nấy đều cảm thấy Hồ Chí Minh luôn luôn ở gần bên, biết rõ việc làm và hiểu thấu tâm tư của mình. Tình yêu của nhân dân Việt Nam đối với Hồ Chí Mính ở ngang tầm tình yêu của Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam, sâu xa và trong sáng.

Hồ Chí Minh gắn bó với dân tộc mình đồng thời cũng dành những tình cảm thắm thíết với mọi dân tộc trên thế giới, luôn luôn ủng hộ mọi cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng bất cứ ở đâu, quan tâm chí tình mọi bạn bè quốc tế, săn sóc ân cần mọi số phận con người bằng những víệc làm cảm động và thiết thực. Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” và của lý tưởng “Người vớì người là bạn". Cũng như dân tộc Việt Nam, cả loài ngườì đã đền đáp tấm lòng của Hồ Chí Minh bằng tình yêu mến đặc biệt.

Hồ Chí Minh là hình ảnh sống về đạo đức cách mạng. Ở Hồ Chí Minh thể hiện toàn vẹn đức tính chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa,  trí, dũng với nội dung mới mà Người đã đề ra cho toàn Đảng, toàn dân. Nét đặc biệt của Hồ Chí Minh là khiêm tốn, giản dị, sự khiêm tốn, giản dị chân thành và hồn nhiên của con nguời bao giờ cũng là chính mình và chỉ cần là chính mính. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh càng khiêm tốn giản dị. Truớc tất cả và hơn hết mọi người, trong mỗi ngày, mỗi việc, Hồ Chí Minh đã làm đúng điều Người nhắc nhở mọi cán bộ cách mạng, là trung thành và tận tụy làm ngươi đầy tớ của nhân dân. Ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, được tín nhiệm rất cao, Hồ Chí Minh vẫn sống như một người đảng viên và một người lao động bình thường, tôn trọng quần chúng và phục tùng tập thể, lắng nghe ý kiến của những người học trò và mọi người sống quanh mình, khi chuẩn bị một chủ trương quan trọng cũng như khi viết một bài báo.

Cuộc sống và việc làm hằng ngày của Bác thể hiện đẹp đẽ và sâu sắc ý thức tổ chức và ý thức tập thể, từ việc rất nhỏ đến việc rất lớn. Và trong mọi việc, Bác đòi hỏi phải có sự nhất trí sâu rộng của tập thể, từ đó mới có thể động viên được sức mạnh vô tận của khối đoàn kết toàn dân, và đây là nhân tố quyết định.

Một điều đáng tự hào của Đảng cộng sản và của dân tộc Việt Nam là ở đất nước mà người lãnh tụ được cả dân tộc yêu mến và tin tưởng đến mức lạ lùng, lại không hề bao giờ nảy ra tệ sùng bái cá nhân với những tệ nạn của nó. Đó là phẩm chất của Hồ Chí Minh và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Con người Hồ Chí Minh trước sau như một, vượt qua thử thách của vinh quang, của quyền lực, của tuổi tác, của thời gian, làm sáng lên sự cao cả của con người.

Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu, vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ.

Người ta đã viết nhiều về phong cách nói và viết của Hồ Chí Minh. Tôi không nhắc lại, nhưng phải nhấn mạnh rằng anh em đồng chí chúng ta vẫn chưa học được phong cách tuyệt vời của Bác. Trong một bài viết hoặc bài nói, Bác không chỉ chú ý từng câu, từng chữ mà còn chú ý nói cái gì trước cái gì sau, bởi vì có khi đó chính là điều quan trọng bậc nhất.

Ví dụ: có lúc có một đồng chí viết trong một văn kiện về cuộc kháng chiến chống Mỹ "Địch nhất định thua, ta nhất định thắng". Nghe câu này, Bác tức khắc phản ứng: Phải nói ngược lại: "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Và Bác giải thích thêm: "Ta phải thắng thì nó mới thua". Điều này thể hiện cả một quan điểm, một ý chí sắt đá quyết chiến và quyết thắng không gì lay chuyển được.

Đúng như Hồ Chí Minh từng tâm sự Người không ham làm thơ và cũng không dành được nhiều thời gian cho thơ, nhưng khi hoàn cảnh cho phép và làm nảy ra cảm hứng, Hồ Chí Minh đã viết những bài thơ đẹp và trong sáng. Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu.

Nhà thơ Hồ Chí Mình không chỉ hiện lên qua các bài thơ. Một chất thơ thấm đượm tình người và cuộc sống của con người, có cốt cách Việt Nam và phương Đông, đặc biệt thanh cao và tao nhã, tỏa ra từ sự nghiệp và bình sinh của Hồ Chí Minh. Nhà lý luận, nhà hành động. con người ấy bao giờ cũng thơ, lúc chan chứa, lúc thâm trầm, luôn luôn dung dị, thơ sử thi, thơ anh hùng ca, thơ trữ tình, như chính cuộc dời này thơ vậy. Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và của loài ngưòí, với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn gắn liền với nhà nhân văn lớn phát huy truyền thống của một dán tộc "văn hiến".

Hồ Chí Mình là một nhà văn hóa lớn, vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, làm sáng lên một chủ nghĩa nhân văn trùng với những ước mơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam và các dân tộc, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người.

Việc tổ chức UNESCO quyết định kỷ niệm 100 ngày sinh của Hồ Chí Minh ở khắp các nước trên thế giới là sự đánh giá tốt đẹp về Hồ Chí Minh và về dân tộc Việt Nam, được nhân dân cả nước Việt Nam đón nhận như một niềm tự hào, một sự động viên trên con đường tiếp tục sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

"Yêu thương tất cả, chỉ quên mình..."

Trên đây tới vừa nói về chất cách mạng, chất Việt Nam, chất cộng sản, chất nhân văn của Hồ Chí Minh. Bây giờ tôi nói về cuộc sống của Hồ Chí Minh.

 Về khung cảnh sống, tôi nhớ lại lúc Bác sống nhiều năm ở hang Pắc Bó. Và để diễn tả khung cảnh này, tôi nghĩ không có thể nói gì hơn là nhắc lại mấy câu thơ của Bác :

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Nhân nói đến cháo bẹ, tôi phải kể đến một câu chuyện ít ai biết. Trước khi trở về Cao Bằng, có một thời gian Bác và chúng tôi phải ở bên kia biên giới, giữa nhân dân các dân tộc vùng đó, nơi người ta chỉ sống bằng cháo bẹ. Bấy giờ Bác có nhiều tiền, hai xếp giấy bạc như hai cuốn từ điển, và Bác giao cho tôi giữ tiền. Tôi phải mặc một cái áo trong, với hai cái túi to, để giữ hai xếp bạc đó. Nghĩa là chúng tôi có nhiều tiền, nhưng bữa cơm hằng ngày là cháo bẹ, nói thật là không đủ no.Sau này, ở Hà Nội, nhất là vào những năm cuối đời hằng ngày Bác ăn cơm với tôi, có khi Bác nói: "Lúc ăn được thì không có mà ăn. Lúc có ăn thì lại không ăn được". Bởi lúc bấy giờ, Bác ăn không ngon, và phải nói rằng ăn rất ít.

Trở lại khung cảnh sống, hai người bạn đời luôn luôn cùng sống với Bác là con người và thiên nhiên. Để làm sáng tỏ khung cảnh sống đầy ý nghĩa và đẹp đẽ này, tôi phải nhắc đến cái nhà sàn của Bác mà từ nhiều năm nay, nhiều người ở nước ta và trên thế giới đã biết, và rất xúc động lúc viếng nhà sàn ấy. Ở đây cũng như lúc ở Pắc Bó, Hồ Chí Minh sống với con người và sống với thiên nhiên. Đây không chi là khung cảnh, mà còn là lối sống, đem lại những niềm vui quý báu đối với con người mà cái xã hội gọi là văn minh ngày nay hầu như muốn tước đoạt, với những thành phố khổng lồ, những nhà nhiều tầng đầy  tiện nghi trong đó có những thứ không cần thiết, môi trường sống bị ô nhiễm khủng khiếp, phá hoại thiên nhiên và nguy hại cho con người. Nhớ lại khung cảnh sống của Hồ Chí Minh, tôi muốn nhắc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ:

Gió trăng chứa một thuyền đầy

Của kho vô tận biết ngày nào vơi.

Hai câu thơ từ hàng trăm năm trước rất phù hợp với khung cảnh sống và lối sống của Hồ Chí Minh, thể hiện nguyện vọng và xu hướng của cuộc sống văn minh chân chính.

Về cuộc sống hằng ngày của Hồ Chí Minh, ở đây tôi không biết nói cái gì mới, bởi cuộc sống đó là công việc, là làm việc, là cách mạng, là đấu tranh, là con người.

Tuy nhiên, tôi cũng cần nhắc lại một đôi điều mà không mấy người nói đến. Theo tôi biết, trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh ở trong nước cũng như ngoài nước, thật sự không có ngày nghỉ, và ngày nào cũng như ngày nào, bao giờ cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc nghiêm ngặt, mà Hồ Chí Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật sinh hoạt đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào và chiến sĩ miền Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ bảy ở Phủ Chủ tịch cùng với biết bao con, cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác, và ở một số cơ quan gần bên. Có khi trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước ngoài hoặc đại sứ các nước anh em.

Một câu chuyện tôi thiết tha muốn kể ở đây là bữa ăn của Bác. Một bữa ăn đạm bạc, rất khó tưởng tượng với nhiều người. Nhưng đó không phải là điều làm tôi xúc động, điều làm tôi xúc động là trong bữa ăn, Bác lưu ý mọi người ăn món nào thì ăn cho hết, món nào không ăn để lại thì để cho tươm tất. Ở gần Bác trong nhiều năm, tôi kể lại câu chuyện này, để nói lên tấm lòng cao đẹp của Hồ Chí Minh, lòng kính trọng của Người đối với những người chế biến bữa ăn, và sâu xa hơn đối với những người sản xuất ra các thứ làm nên bữa ăn.

Về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh, giờ đây tôi muốn dành phần cuối của chương để kể lại một đôi điều. Mấy tháng trước khi qua đời, lúc đó Bác đã mệt nhiều, tuy vậy Bác vẫn thiết tha bàn với chúng tôi điều mong muốn mãnh liệt của Bác là đi miền Nam. Lần này, chúng tôi trình bày với Bác sức khỏe của Bác không thể cho phép thực hiện điều ấy, và chúng tôi nói thêm rằng cuộc chiến tranh đang diễn biến thuận lợi cho ta, không bao lâu nữa chúng ta sẽ giải phóng miền Nam, lúc đó Bác sẽ vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Nhưng ai có thể biết được Bác đã trả lời chúng tôi thế nào? Bác bảo: "Lúc đó đi miền Nam thi còn phải nói làm gì. Chính bây giờ, lúc đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu, hy sinh, thì đi miền Nam mới có ý nghĩa".

Cũng trong thời gian ấy, Bác thường nhắc chúng tôi phải làm gì để đem lại cho đồng bào miền Bắc đời sống tốt hơn. Những lúc như vậy, chúng tôi thường nhấn mạnh lại những điều Bác căn dặn: Phải làm việc, phải sản xuất nhằm đạt hiệu quả tốt, từ đó mà cải thiện đời sống.

Nhưng chúng tôi thấy rõ nói thế không đúng với điều mà Bác đòi hỏi. Bác đòi hỏi cái gì thiết thực, có ngay. Điều đó thì thật khó quá. Tất nhiên Bác cũng biết như vậy, nhưng lòng mong muốn này vẫn là điều day dứt Bác trong những ngày, tháng cuối cùng.

Hồ Chí Minh là người sống một cuộc đời trước sau như một, nhằm những mục tiêu cao cả được xác định từ lúc bắt đầu và từng bước đã thực hiện được Hồ Chí Minh là con người của một lý tưởng và lý tưởng thể hiện trong một con người. Đây là con người lịch sử và con người làm ra lịch sử.

Ở gần Hồ Chí Minh, ôn lại cả cuộc đời, mọi việc làm lớn, nhỏ của Hồ Chí Minh, tôi thấy sáng tỏ: Hồ Chí Minh là một người cộng sán mẫu mực. Từ đó một ý nghĩ thi vị đến với tôi: Người cộng sản đẹp làm chủ nghĩa cộng sản đẹp, và chủ nghĩa cộng sản đẹp làm người cộng sản đẹp.

Hồ Chí Minh là một con người như vậy.

PHẠM VĂN ĐỒNG

(Trích phần IV trong tác phẩm "Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" - NXB Sự Thật, Hà Nội - 1990)

------------------------------------------------

(*): Tiêu đề bài và các phần nhỏ do TTO đặt.

Sưu tầm bởi Trần Thanh Toàn


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn