Đa số các nhà toán học hàng đầu đã khám phá và đam mê môn học này từ nhỏ. Họ cũng thường đạt thành tích xuất sắc trong những cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, thời học sinh, môn toán lại là điểm yếu của June Huh - chủ nhân Huy chương Fields 2022, giải thưởng cao quý được mệnh danh là Nobel Toán học."Tôi học khá hầu hết các môn ngoại trừ toán. Toán chỉ ở mức cực kỳ tầm thường, nghĩa là trong một số bài kiểm tra, tôi làm khá ổn. Nhưng trong những bài kiểm tra khác, tôi suýt trượt", ông chia sẻ với tờ New York Times.
Bỏ học trung học để làm nhà thơ
Huh chào đời tại California năm 1983, khi cha mẹ đang học sau đại học. Khi Huh khoảng 2 tuổi, gia đình chuyển đến Seoul, Hàn Quốc. Tại đây, cha ông dạy môn thống kê còn mẹ dạy ngôn ngữ và văn học Nga.
Trường học từng là gánh nặng với Huh. Ông thích học nhưng không thể tập trung hay tiếp thu bất cứ thứ gì trong khung cảnh lớp học. Thay vào đó, ông thích tự đọc hơn. Ở trường tiểu học, ông đã đọc hết 10 tập của một bộ bách khoa toàn thư về sinh vật sống.
Huh cố gắng tránh môn toán bất cứ khi nào có thể. Cha ông từng thử dạy ông theo một cuốn sách bài tập, nhưng thay vì cố giải bài toán, ông sẽ chép đáp án ở mặt sau. Khi bị cha bắt gặp và xé những trang này, Huh lại đến một hiệu sách địa phương và ghi đáp án ở đó. "Lúc đó bố tôi đã bỏ cuộc", Huh kể lại trên Quanta Magazine.
Năm 16 tuổi, khi đang học năm đầu trung học (kéo dài 3 năm ở Hàn Quốc), Huh quyết định bỏ học để viết thơ. Ông là một người khá lãng mạn. "Tôi thực sự có thể khóc sau khi nghe một bài nhạc hay", ông nói. Huh viết về thiên nhiên và những trải nghiệm của bản thân. Ông dự định hoàn thành kiệt tác của mình trong hai năm trước khi phải vào đại học. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Huh nhận thấy quá trình viết lách tập trung quá nhiều vào bản thân và đối với ông, việc này thường xuyên gây đau khổ và chán nản. Hơn nữa, ông cũng nhận ra mình "muốn trở thành một nhà thơ tuyệt vời" chứ không thực sự muốn viết những bài thơ hay.
Năm 2002, Huh vào Đại học Quốc gia Seoul nhưng vẫn cảm thấy mất phương hướng. Ông nảy ra ý định nhất thời là trở thành một cây bút khoa học và quyết định theo học chuyên ngành thiên văn và vật lý. Nhưng ông thường xuyên trốn học, thậm chí phải học lại vài môn. "Tôi bị mất phương hướng. Tôi không biết mình muốn làm gì, không biết mình giỏi cái gì", ông chia sẻ.
Khóa học làm thay đổi cuộc đời June Huh
Năm cuối đại học, Huh tình cờ bén duyên lại với môn toán. Khi đó, Heisuke Hironaka, nhà toán học Nhật Bản từng đoạt Huy chương Fields năm 1970, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul. Hironaka dạy một khóa về hình học đại số, và Huh nghĩ rằng mình có thể viết bài về Hironaka nên đã tham gia khóa học. "Ông ấy giống như một siêu sao đối với phần lớn khu vực Đông Á", Huh nói về giáo sư Hironaka.
Ban đầu, khóa học thu hút hơn 100 sinh viên. Hầu hết nhanh chóng thấy khó hiểu và bỏ lớp, nhưng Huh vẫn tiếp tục. "Sau 3 bài giảng, chỉ còn lại khoảng 5 người chúng tôi", Huh nói.
Ông bắt đầu ăn trưa với Hironaka để thảo luận về toán. "Chủ yếu là ông ấy nói chuyện với tôi còn mục tiêu của tôi là giả vờ hiểu điều gì đó rồi phản ứng một cách phù hợp để cuộc trò chuyện có thể tiếp diễn. Đó là một nhiệm vụ đầy thách thức vì tôi thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra", Huh kể lại.
Huh tốt nghiệp và bắt đầu học thạc sĩ với giáo sư Hironaka. Năm 2009, ông nộp đơn vào khoảng 10 trường đào tạo sau đại học ở Mỹ để học tiến sĩ. Ông nghĩ rằng dù thành tích môn toán ở đại học không tốt, thư giới thiệu từ một người từng đoạt Huy chương Fields sẽ giúp mình được nhiều trường chấp nhận. Tuy nhiên, tất cả các trường đều từ chối, ngoại trừ Đại học Illinois Urbana-Champaign.
Hành trình đến với Huy chương Fields
Tại Illinois, ông bắt đầu nghiên cứu toán tổ hợp, lĩnh vực toán học liên quan đến những cách bố trí vật thể. Ví dụ, có một hình tam giác, với một số lượng màu nhất định, có bao nhiêu cách để tô màu các đỉnh sao cho hai đỉnh của một cạnh không cùng màu?
Biểu thức toán học giúp đưa ra câu trả lời được gọi là đa thức màu. Người ta có thể viết ra các đa thức màu phức tạp hơn cho những đối tượng hình học phức tạp. Sử dụng những công cụ khi làm việc cùng Hironaka, Huh đã chứng minh giả thuyết Read - giả thuyết mô tả tính chất toán học của các đa thức màu này.
Năm 2015, Huh cùng hai nhà nghiên cứu Eric Katz (Đại học Bang Ohio) và Karim Adiprasito (Đại học Hebrew) đã chứng minh giả thuyết Rota - giả thuyết liên quan đến các đối tượng tổ hợp trừu tượng hơn gọi là matroid thay vì tam giác hay các hình khác. Matroid có một bộ đa thức khác và mang những tính chất tương tự đa thức màu. Nghiên cứu của họ cũng kéo theo một mảnh ghép bí ẩn của hình học đại số gọi là lý thuyết Hodge, được đặt theo tên của nhà toán học người Anh William Vallance Douglas Hodge.
Năm 2022, Huy chương Fields gọi tên June Huh nhờ đưa những khái niệm của lý thuyết Hodge vào toán học tổ hợp, chứng minh giả thuyết Dowling - Wilson cho mạng hình học, chứng minh giả thuyết Heron - Rota - Welsh cho cấu trúc matroid, phát triển lý thuyết đa thức Lorentz và chứng minh giả thuyết Mason.
Hội liên hiệp Toán học Quốc tế (IMU) trao Huy chương Fields 2022 hôm 5/7 tại Helsinki, Phần Lan thay vì Saint Petersburg, Nga, như công bố ban đầu. Năm nay, 4 chủ nhân của giải thưởng là giáo sư James Maynard (35 tuổi) tại Đại học Oxford, giáo sư Maryna Viazovska (37 tuổi) tại Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ Lausanne, giáo sư Hugo Duminil-Copin (36 tuổi) tại Đại học Geneva và giáo sư June Huh (39 tuổi) tại Đại học Princeton.
Huy chương Fields được đặt theo tên nhà toán học Canada John Charles Fields nhằm tôn vinh ông. Giải thưởng được trao cho 2, 3 hoặc 4 nhà toán học dưới 40 tuổi cứ 4 năm một lần, lần đầu tiên diễn ra vào năm 1936. Đến nay, tổng cộng có 64 nhà toán học nhận giải, trong đó có 2 phụ nữ. Việt Nam có GS Ngô Bảo Châu từng nhận giải này năm 2010.
Sưu tầm