Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM tặng hoa cô giáo chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Minh Đức, cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết: Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc của năm học này đã giảm khoảng 2.000 người so với cùng khoảng thời gian năm trước đó, tương đương với giảm khoảng 22,4%.
Phân tích của Bộ cũng cho thấy tỉ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều. Số giáo viên bỏ nghề ở cấp giáo dục mầm non chiếm tỉ lệ cao và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao.
Điểm mới trong đề xuất của Bộ GD-ĐT về lương nhà giáo là xếp thang bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo. Bên cạnh đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với ngành giáo dục.
Đang xây dựng, trình Quốc hội Luật Nhà giáo
* Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề. Ông có thể chia sẻ những giải pháp Bộ GD-ĐT đã và đang làm để ngăn dòng giáo viên bỏ việc?
Ông Vũ Minh Đức, cục trưởng cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT)
- Để giáo viên gắn bó với nghề và cũng để tiếp tục thu hút những người có tài, có tâm vào ngành giáo dục, chính sách đối với nhà giáo là vấn đề bộ rất quan tâm.
Để giảm áp lực, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhà giáo, Bộ GD-ĐT đã tham mưu và ban hành trong phạm vi thẩm quyền nhiều văn bản mới để cởi bỏ những quy định đã không còn phù hợp, là rào cản đối với nhà giáo.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Nếu Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh nhà giáo, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo.
* Vậy còn lương nhà giáo? Đây là vấn đề luôn được quan tâm nhưng lại có những vướng mắc khiến mong muốn lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp chưa thành hiện thực?
- Nghị quyết 27 của Trung ương đã xác định: "Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp". Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để triển khai đúng tinh thần này của nghị quyết 27.
Điểm mới trong đề xuất của Bộ về lương nhà giáo là xếp thang bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo. Bên cạnh đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với ngành giáo dục.
Bộ cũng đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành và được phân bổ theo các nhóm khác nhau phù hợp với đặc thù công việc, nơi công tác...
Bộ cũng đề xuất các chế độ phụ cấp phù hợp với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Đối với giáo viên công tác ở các xã biên giới, hải đảo, Bộ mong muốn họ được hưởng mức lương tương đương với lực lượng vũ trang công tác trên cùng địa bàn.
Bên cạnh đó, xuất phát từ mong muốn của đội ngũ nhân viên trường học được tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, Bộ đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung mức phụ cấp (25%) cho đội ngũ này.
* Như vậy, với cách tính lương mới, nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên?
- Theo nghị quyết 27 của Trung ương, việc trả lương cho nhà giáo theo vị trí việc làm, bãi bỏ phụ cấp thâm niên. Điều này cũng gây ra những tâm tư nhất định với những nhà giáo đã công tác lâu năm trong ngành.
Đây là bài toán khó khăn mà Bộ GD-ĐT phải cân nhắc và tính toán tiền lương giáo viên khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Cô Đinh Thị Bích Thuận và các bé Trường mầm non Đắk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi trong giờ học - Ảnh: TRẦN MAI
Trình Chính phủ sửa đổi nghị định 116
* Vì sao cả nước còn thiếu nhiều giáo viên, nhưng chỉ tiêu đào tạo sư phạm lại giảm. Cụ thể năm học 2022 - 2023, chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm giảm trên 60.000 so với năm học trước?
- Việc xác định chỉ tiêu đào tạo sư phạm phải dựa trên hai tiêu chí khái quát là nhu cầu giáo viên của các địa phương theo từng trình độ, ngành học, từng năm và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Trong đó việc tính toán nhu cầu giáo viên phải là cho 3 - 4 năm sau chứ không phải hiện tại. Vì sinh viên sư phạm tuyển mới phải 3 - 4 năm sau mới ra nghề.
Do tình trạng thiếu giáo viên nên những năm trước, chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã được tăng và theo tính toán cho 3 - 4 năm tới, cần có điều chỉnh theo hướng giảm bớt đề phù hợp với thực tế vào thời điểm đó và cũng phù hợp với năng lực hiện có của các cơ sở đào tạo.
* Tiến độ sửa nghị định 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thế nào để tạo thuận lợi cho việc đào tạo, tuyển dụng giáo viên theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu?
- Nghị định 116 đã đạt được một số kết quả nhất định như thu hút người học vào ngành sư phạm, nâng điểm chuẩn sư phạm lên rõ rệt trong tương quan với các ngành, lĩnh vực khác nhưng cũng bộc lộ những bất cập, khó khăn.
Cụ thể là việc thực hiện đấu thầu đào tạo giáo viên khó khăn do các quy định không phù hợp với đặc thù đào tạo giáo viên.
Có những mâu thuẫn giữa các quy định liên quan tới đào tạo, tuyển dụng giáo viên tại các địa phương. Trách nhiệm của địa phương, Trung ương về nguồn kinh phí hỗ trợ chưa làm rõ dẫn tới tình trạng nợ phí hỗ trợ của sinh viên.
Những bất cập này đang được điều chỉnh. Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 116, hiện đang hoàn thiện dự thảo theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ban hành trong tháng 5-2024.
Hy vọng sẽ có "bước cải thiện rõ rệt"
* So với hiện tại, nếu các đề xuất của Bộ GD-ĐT được thông qua và khi đề án lương được thực thi từ 1-7, thu nhập giáo viên có thể sẽ thay đổi như thế nào?
- Hiện tại các cấp có thẩm quyền đang xem xét, quyết định việc thực hiện chính sách tiền lương mới. Vì vậy, tôi chưa thể nói gì cụ thể hơn. Tuy nhiên có một nguyên tắc được xác định khi xây dựng chính sách tiền lương mới là: Khi chuyển xếp lương, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Với nguyên tắc này, hy vọng tiền lương của đội ngũ nhà giáo sẽ có bước cải thiện rõ rệt.
Cả nước còn hơn 64.000 biên chế giáo viên
* Thiếu trên 100.000 giáo viên các cấp nhưng nhiều địa phương lại vẫn không tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao. Vì sao có tính trạng này và Bộ GD-ĐT đã làm gì để thúc đẩy việc khắc phục?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc ở một số môn học như ngoại ngữ, tin học, công nghệ, nghệ thuật... hoặc một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn tuyển; một số địa phương thực hiện việc cắt giảm cơ học 10% chỉ tiêu biên chế hoặc không thực hiện việc tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến 31-5-2023 cả nước còn hơn 64.000 biên chế giáo viên chưa được tuyển dụng.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã thực hiện một số giải pháp: Thứ nhất, xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy định về vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các trường mầm non, phổ thông là cơ sở cho các đơn vị, địa phương xác định số người làm việc ở mỗi cơ sở giáo dục.
Thứ hai, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho giai đoạn 2021- 2026; phân bổ chỉ tiêu biên chế và đôn đốc các địa phương thực hiện (đến năm học 2023 - 2024 đã phân bổ gần 56.000 chỉ tiêu biên chế cho các địa phương; đã tuyển được hơn 40.000 giáo viên mới).
Bộ cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số lượng biên chế đã được giao...
(Sưu tầm)