Tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Nhu cầu nhân lực ngành xã hội nhân văn và sư phạm" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 16.4, thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết năm 2023, điểm chuẩn ngành tâm lý học của trường ở phương thức xét học bạ là 26,75 điểm, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 24,5 điểm.
"Tâm lý học là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất trong số các ngành khoa học xã hội nhân văn tại trường do số lượng thí sinh nộp hồ sơ rất đông", thạc sĩ Quân thông tin.
Trả lời cho thắc mắc 2 ngành xã hội học và tâm lý học có điểm chung gì và ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao hơn, thạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng mỗi ngành học đều có thế mạnh, tuy nhiên cả 2 ngành đều tập trung vào con người và các vấn đề xã hội, cùng đưa ra những giải thích về hành động của mỗi cá nhân trong bối cảnh xã hội rộng lớn...
"Cơ hội việc làm của 2 ngành đều rộng mở. Nếu học xã hội học, các em làm công việc liên quan đến nhân sự, tổ chức, doanh nghiệp, dự án phát triển. Còn ngành tâm lý học cũng có nhiều công việc khác nhau như tham vấn tâm lý trong trường học, bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp...", thạc sĩ Quân chia sẻ.
rong khi đó, thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang, chuyên gia tâm lý, giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay tại trường, bên cạnh ngành tâm lý học rất "hot" thì thí sinh còn quan tâm đến các ngành thuộc khối xã hội nhân văn như ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Trung Quốc học, đặc biệt là 2 ngành mới truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng.
"Khi thí sinh đến trường tìm hiểu thông tin ngành nghề thì có tới 80% các em đều hỏi về 2 ngành này. Lý do ngành này 'hot' vì ngày nay bất cứ doanh nghiệp hay đơn vị nào đều rất cần truyền thông hình ảnh, thương hiệu của mình đến xã hội, người tiêu dùng...", thạc sĩ Trang thông tin thêm.
Tại chương trình, thí sinh cũng quan tâm tới các ngành ngôn ngữ Hàn, Trung, Nhật, Anh của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nên thắc mắc nếu có định hướng dạy ngoại ngữ thì nên chọn ngành sư phạm hay ngành về ngôn ngữ?
Tiến sĩ Tô Minh Tùng, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhận định: "Chúng ta đang sống trong một xã hội không biên giới và giao lưu quốc tế rất phát triển, do đó biết ngoại ngữ là một thế mạnh. Nếu các em chọn ngành ngôn ngữ thì sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau, các em cũng có thể đi dạy nếu học thêm chứng chỉ sư phạm, ngoài ra còn có thể làm hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, làm việc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, giao lưu văn hoá..." tiến sĩ Tùng chia sẻ.
Sưu tầm