1. Mục đích và yêu cầu của đề cương ôn tập
- Mục đích
Đề cương ôn tập là hệ thống các kiến thức trọng tâm và bài tập vận dụng được biên tập một cách logic và khoa học thành một tập tài liệu.
Đề cương ôn tập giúp cho giáo viên và học sinh có cái nhìn tổng quát về những nội dung đã dạy và học, từ đó có phương pháp ôn tập phù hợp và đạt hiệu quả cao, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan, giúp cho giáo viên có thêm cơ hội tư duy, nghiên cứu nhằm nâng cao chuyên môn của mình.
- Yêu cầu
Một đề cương ôn tập chất lượng phải đảm bảo một số yêu cầu sau đây:
+ Cung cấp đầy đủ và chính xác các nội dung kiến thức đáp ứng mục tiêu của đề cương đề ra
+ Đảm bảo cấu trúc cơ bản của một đề cương ôn tập, bám theo đề minh họa của Bộ
+ Đảm bảo tính phân hóa của bài tập, đầy đủ các mức độ nhận thức, biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao
+ Có phần bài tập trắc nghiệm để học sinh tự rèn luyện;
+ Hình thức của đề cương cần thu hút và dễ nhìn.
2. Một số dạng đề cương ôn tập thường gặp
Đề cương ôn tập thường có hai dạng cơ bản:
+ Đề cương ôn tập tổng quát: thường sử dụng để ôn tập lý thuyết cho học sinh, bao gồm hệ thống các câu hỏi được phân chia theo các bài học, có bố cục đơn giản và ngắn gọn.
+ Đề cương ôn tập chi tiết: là dạng đề cương được sử dụng khá phổ biến hiện nay, thường dùng để rèn luyện bài tập cho học sinh, bao gồm hệ thống các bài tập trắc nghiệm theo bài học hoặc theo chủ đề, được bố cục tương đối phức tạp và dung lượng lớn hơn so với đề cương ôn tập tổng quát.
3. Biên tập đề cương
Sau khi phân dạng và lựa chọn các đơn vị kiến thức phù hợp đưa vào đề cương, giáo viên nên sắp xếp các nội dung theo một cấu trúc thống nhất với tất cả các dạng.
Để đạt được hiệu quả tối ưu của đề cương, giáo viên nên bố cục các nội dung theo thứ tự như sau:
+ Thứ nhất, bảng thống kê đầy đủ tên các chuyên đề kiến thức và các dạng bài bài tập tương ứng, được gọi là đề cương tổng quát. Phần này thường được biên tập như một “ phân phối chương trình tổng thể”, nhằm mục đích giúp cho người dạy và học sinh có cái nhìn khái quát về nội dung của đề cương, cũng như dễ dàng trong việc tra cứu từng chuyên đề, dạng bài khi cần thiết.
+ Thứ hai, tóm tắt kiến thức có liên quan ứng với mỗi chuyên đề hoặc bài học. Nội dung này nên cô đọng, dễ nhìn và dễ ghi nhớ.
+ Thứ ba, bài tập vận dụng cho từng chuyên đề, bài học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm được phân hóa từ dễ đến khó, đề cương đảm bảo tính phân loại theo từng đối tượng học sinh, không nên dễ quá cũng không nên khó quá, cần đảm bảo theo các mức độ nhận biết ,thông hiểu và vận dụng. Phần này sẽ được giáo viên hướng dẫn sửa trong lớp học trong các buổi ôn tập.
+ Thứ tư, bài tập tự rèn luyện, nhằm giúp học sinh củng cố lại kiến thức và kỹ năng đã được học, giúp các em khắc sâu và ghi nhớ kiến thức. Phần này nên kèm theo đáp án ở cuối, để học sinh có thể tự kiểm tra kết quả của mình.
+Thứ năm, giáo viên nên giao bài tập cho học sinh về nhà nhằm phát huy tính tự học và tìm tòi của học sinh
4. Kết luận:
- Việc xây dựng bộ đề cương trắc nghiệm cho học sinh lớp 12 được thực hiện theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, đảm bảo các thao tác kĩ thuật của việc soạn thảo bài trắc nghiệm, câu trắc nghiệm. Tuy nhiên, để hoàn thiện ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, nhằm sử dụng hiệu quả trong ôn tập, cần phải lựa chọn những câu hỏi trắc nghiệm đạt yêu cầu về mặt hình thức và chất lương nội dung
- Chỉnh sửa những câu hỏi trắc nghiệm chưa đạt yêu cầu ,iếp tục thử nghiệm, phân tích, đánh giá toàn bộ câu hỏi trong bộ câu hỏi trắc nghiệm kiến thức ôn tập
- Hoàn thiện ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và sử dụng để ôn tập cho học sinh, định hướng cho học sinh lớp 12 thi đạt kết quả cao.
Trần Dư