THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Bộ trưởng Giáo dục: Nhiều giáo viên hào hứng với sách giáo khoa mới
Cập nhật lúc: 01/10/2022
Việc triển khai chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã nhận được phản hồi tích cực từ nhiều giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết.
 Sáng 30/9, tại buổi tiếp trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cử tri của huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã nêu một số vấn đề liên quan đến chương trình sách giáo khoa mới và những bất cập của Hội phụ huynh. Giải đáp ý kiến, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương lớn trong đổi mới giáo dục phổ thông.

Sách giáo khoa trước đây là chỗ dựa duy nhất có tính pháp định mà giáo viên phải dạy theo, học sinh phải học theo. Nhưng sách giáo khoa hiện nay là học liệu, tài liệu giúp giáo viên, học sinh triển khai chương trình, thi theo chương trình.

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 30/9. Ảnh: Võ Hải

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri tại Thanh Oai, Hà Nội, sáng 30/9. Ảnh: Võ Hải

"Một quyển sách giáo khoa thì việc dạy và học sẽ khuôn cứng trong một cuốn sách đó. Khi có một bộ sách giáo khoa thì không có gì so sánh và cứ thế theo. Còn khi đổi mới, làm nhiều bộ sách giáo khoa, đây là cách xã hội hóa, có nhiều nhóm tác giả, nhiều nhà xuất bản, nhiều nơi cạnh tranh trong biên soạn", Bộ trưởng Sơn nêu và cho rằng khi cạnh tranh theo quy luật của thị trường, phải cố gắng thể hiện rất tốt về nội dung, hình thức, thúc đẩy đầu tư cho chất lượng.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay chương trình sách giáo khoa mới là thách thức với giáo viên. Bộ đã tập huấn cho giáo viên, các giáo viên với kinh nghiệm, năng lực tốt, thích ứng thì tương đối thuận lợi nhưng cũng có một số giáo viên thấy khó khăn. Trong thực tế triển khai vừa qua, Bộ ghi nhận "nhiều giáo viên rất hào hứng" những đổi mới của chương trình.

Trước ý kiến của cử tri cần xem lại chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, ông Sơn ghi nhận nhưng cho biết "nếu muốn kết luận rằng chương trình như thế tốt hay không tốt cần có đánh giá rất bài bản chứ không phán xét cảm tính được".

"Việc cử tri nêu trong bộ sách Cánh diều có sạn thì đề nghị chỉ rõ sạn đó ở chỗ nào, trang nào, số bao nhiêu để kịp thời soát xét, sửa chữa", Bộ trưởng Giáo dục đề nghị và cho hay Bộ rất cầu thị, nếu phát hiện "sạn" chỗ nào sẽ gửi ngay cho nhóm tác giả, nhà xuất bản xử lý. "Sạn" trong sách giáo khoa lớp 1đã được chỉnh sửa sau một năm.

Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018) từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 28/9, gần 1.600 tác giả đã tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, trong đó khoảng 70% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Theo Thông tư 25 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thẩm quyền chọn sách giáo khoa thuộc về UBND cấp tỉnh. Quy định này áp dụng từ năm học 2021-2022. Sở Giáo dục và Đào tạo phải thông báo danh mục sách được phê duyệt chậm nhất 5 tháng trước năm học mới, tức tháng 4 hàng năm.

Trả lời về bất cập của Hội phụ huynh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh đúng là vấn đề nhạy cảm. Hiện Bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra làm sao còn "cần cân nhắc rất thấu đáo".
Sưu tầm


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn