THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Bạo lực học đường gia tăng: Làm sao để ngăn chặn?
Cập nhật lúc: 07/09/2022
SKĐS - Thời gian qua, nhiều vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội hoặc quay clip đánh hội đồng bạn học rồi tung lên mạng... lại gióng lên hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.
 

Bạo lực học đường gia tăng: Làm sao để ngăn chặn?

 

SKĐS - Thời gian qua, nhiều vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội hoặc quay clip đánh hội đồng bạn học rồi tung lên mạng... lại gióng lên hồi chuông báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường: Cứ 'không vừa mắt' là… đánh

Mới đây nhất (ngày 9/8), trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nam sinh lớp 9 (ở Hà Tĩnh) bị một nhóm thanh niên đang học lớp 9 và lớp 10 chặn lại và xúm tụm đánh hội. Mặc dù nạn nhân đã nằm xuống giữa đường và co người lại van xin nhưng nhóm thanh thiếu niên gồm 6 người này vẫn không dừng lại, tiếp tục đá, đạp, giẫm vào người, thậm chí dùng mũ bảo hiểm đánh mạnh vào người nạn nhân...Tại cơ quan công an, nhóm học sinh này khai nguyên nhân dẫn đến sự việc trên xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Trước đó, vào cuối tháng 6, một nữ sinh lớp 8 (ở Long Thành, Đồng Nai) cũng bị một nhóm nữ đánh gây thương tích. Mặc dù nữ sinh này đã quỳ gối van xin nhưng nhóm nữ sinh vẫn lao vào tấn công một cách tàn bạo.

Hay sự việc xảy ra vào tháng 5/2022 tại tỉnh Bắc Kạn, một nữ sinh bị một nhóm nữ sinh đánh hội đồng dẫn đến nhập viện. Sự việc xảy ra tại hiện trường có rất nhiều nam và nữ sinh chứng kiến, tuy nhiên không có một bạn nào đứng ra can ngăn.

Cũng trong tháng 5, tại Long An, một học sinh lớp 6 ở tỉnh này bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng nhiều lần nhưng nhà trường chậm xử lý khiến phụ huynh bức xúc.

Làm sao để thoát khỏi những trận "đòn hội đồng"?

Để tự bảo vệ mình khỏi những trận đòn bất ngờ, tư vấn cho học sinh, thầy Đinh Công Lịch - một giáo viên võ thuật cho biết, nếu biết trước rằng mình sẽ bị đánh, các em cần chủ động thông báo trước sự việc với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, hoặc đơn giản là gọi điện cho người nhà, hay báo một số bạn bè của mình biết để bảo vệ hoặc có thể nhờ người có uy tín với nhóm đối tượng để nói chuyện trước với họ hoặc nếu thấy an toàn (có thầy cô giáo, người thân, nhóm bạn... bên cạnh) thì có thể chủ động gặp đối tượng để nói chuyện, nhằm ngăn chặn sự việc xảy ra.

Một điều cần nhớ là các em hãy luôn đi cùng bạn bè lúc tan học hay khi ra chơi, chứ đừng đi một mình. Đông người bao giờ cũng an toàn hơn, nếu có bạn bè ở bên cạnh thì kẻ bắt nạt sẽ không dám làm gì. Lưu ý không ngoan ngoãn đi nói chuyện theo yêu cầu của đối tượng. Trong hoàn cảnh mình yếu hơn, tốt nhất là cố gắng tránh gặp kẻ bắt nạt ở trường hay ở trên đường, nhưng đừng tỏ cho họ thấy điều đó.

Trường hợp nếu họ cùng đường đi với các em, hãy đi đường khác, vì khi không nhìn thấy thì họ cũng không thể bắt nạt các em.

Với tình huống buộc phải đối mặt với kẻ bắt nạt và không có sự trợ giúp từ bên ngoài, hãy thể hiện mình là người không dễ bắt nạt, sẵn sàng đương đầu và đối tượng sẽ trả giá thích đáng nếu bắt nạt mình. Vì tâm lý kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình. Nếu cảm thấy không an toàn, chúng sẽ nhụt chí.

Các em hãy cố gắng đừng để kẻ bắt nạt thấy mình khóc. Nếu thấy phản ứng ủy mị như thế, họ sẽ càng bắt nạt các em nhiều hơn. Trước khi tình hình diễn biến phức tạp, việc thủ sẵn trên tay vật dụng nào đó... và thái độ quyết liệt từ cử chỉ đến cách nói, sẽ làm đối tượng chùn bước. Vì sự quyết liệt của nạn nhân sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong kẻ tấn công.

Trường hợp khi đã bị vây, không đứng chịu trận, phó mặc cho số phận. Hãy nhớ nguyên lý chạy chỗ (chạy vòng tròn) nếu đối tượng bắt đầu ra tay. Hãy chống trả quyết liệt bằng tất cả sức mạnh bản năng, chớp cơ hội xô ngã đối tượng yếu nhất rồi bỏ chạy đến nơi an toàn, như phòng giáo viên, ban giám hiệu, phòng hội đồng (nếu bị đánh trong trường học), hoặc trụ sở cơ quan công an, nhà dân... khi bị đánh trên đường.

Trong quá trình chống trả, hãy hô hoán thật to, kêu cứu để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, đối tượng thường cũng sợ hãi việc đánh người bị bắt quả tang. Ngay khi thoát khỏi đối tượng, cần tính đến việc các đối tượng tiếp tục phục kích để đánh, hãy gọi điện cho người nhà, báo thầy cô giáo, báo công an... để chủ động giải quyết sự việc.

Bạo lực học đường không dừng lại ở chuyện học sinh đánh nhau mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề của học đường như đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội… Theo PGS.TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), qua hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy giáo dục nhân sinh trong trường học của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Việc đó gắn liền với triết lý giáo dục của chúng ta, nhà trường chỉ dạy chữ hay còn giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người?

Một số gia đình đang buông lỏng giáo dục, phó mặc cho nhà trường. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ vị thành niên đánh nhau ngoài đường, thậm chí xung đột gia đình với bố mẹ, ông bà. Như vậy, việc kết hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình đang lỏng lẻo.

Còn suy rộng ra là trách nhiệm của các cơ quan lớn hơn. Chúng ta có chủ trương xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tốt đẹp, nhân văn nhưng có điều những biện pháp, cách thức giáo dục của chúng ta hiện nay như thế nào? Đây là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ còn nằm ở phạm vi nhà trường và gia đình.

Kinh tế phát triển là điều đáng mừng nhưng đạo đức xã hội đang có sự suy giảm đáng báo động, trong đó có bạo lực học đường, trở thành nỗi trăn trở của toàn xã hội lúc này. Có thể thấy bạo lực học học đường có nhiều nguyên nhân từ vi mô đến vĩ mô. "Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tôi cho rằng, chúng ta cần một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc, phải công khai, nhìn thẳng vào sự thật để phân tích đưa ra một giải pháp vĩ mô. Còn nếu chỉ tuyên truyền một chiều như hiện nay thì chưa giải quyết được vấn đề", PGS.TS. Lê Quý Đức cho biết.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Nay thì tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa phần ở độ tuổi 18 đến dưới 30, chiếm tới 41% tội phạm giết người.

                                                                   ( Theo báo Sức khoẻ và đời sống). Sưu tầm


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn