Mai Thị Nương (bí danh Mai Thị Hồng Hạnh, Mai Hồng Hạnh) sinh năm 1940 tại xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Mai Thị Nương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Nhà ba mẹ của Mai Thị Nương là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Năm 14 tuổi, giấu cha mẹ, anh, Mai Thị Nương tham gia hoạt động cách mạng và được đặt bí danh là Hồng Hạnh. Mai Thị Nương tham gia nhiệm vụ làm đội viên quân báo thường xuyên nắm tình hình bọn địch đi càn để báo cáo cho cán bộ và cơ sở cách mạng kịp thời đối phó. Ngoài ra, Mai Thị Nương cũng được giao nhiệm vụ canh gác cho cán bộ hội họp và công tác giao liên… Nhiệm vụ nào Mai Thị Nương cũng hoàn thành xuất sắc. Với thành tích xuất sắc và phẩm chất vững vàng, tháng 6/1958 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, Mai Thị Nương được phân công nhiệm vụ tổ chức một đội vũ trang diệt ác bí mật ở đồn Cò Tuất. Thực hiện chủ trương của Đảng, chị đã tổ chức diệt những tên tề ác ôn dạy cho chúng bớt hung hăng, càn quấy, lộng hành.
Đầu năm 1959, một hôm đang trên đường công tác từ ấp Thạnh Bình về kinh Cai Chương, Mai Thị Nương bị địch phục kích bắt được. Mai Thị Nương đã khéo léo một mực không khai gì và nói rằng bỏ nhà đi là do gia đình ép gả lấy chồng. Với thái độ cứng cỏi, bình tĩnh của Mai Thị Nương nên bọn địch phải thả về. Sau lần đó, Mai Thị Nương được rút về hoạt động bí mật. Chị được phân công trực tiếp phụ trách Đội vũ trang diệt ác với chức vụ Đội trưởng đội vũ trang kiêm Bí thư Chi đoàn xã Thạnh Hòa.
Đầu tháng 9/1960, Mai Thị Nương đang cùng với đội vũ trang họp bàn kế hoạch tổ chức diệt ác thì bị đội biệt kích do trung úy Võ Văn Sang chỉ huy bao vây. Mai Thị Nương lệnh cho đội vũ trang rút lui, rồi chạy ra đồng đánh lạc hướng và bị bắt đưa về Chi khu Kiên Bình để khai thác. Sau gần 01 tháng, quân Ngụy dùng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo từ đánh đập, cắt thịt xeo tai, treo lơ lửng vẫn không khai thác được gì ở Mai Thị Nương. Trước thái độ bình tĩnh, hiên ngang của Mai Thị Nương, bọn quân Ngụy biết sẽ không khai thác, không thể nào làm lay chuyển được tinh thần người cộng sản. Cuối cùng bọn chúng giết hại chị bằng cách vô cùng man rợ. Khi hay tin Mai Thị Nương bị giết chết dã man, nhân dân địa phương vô cùng căm phẫn, tổ chức biểu tình kéo đến Chi khu Kiên Bình đấu tranh đòi lại thi thể Mai Thị Nương về an táng. Nhưng vì lo sợ sự việc này sẽ kích động thêm lòng căm thù của nhân dân, quân Ngụy đã chặt thi thể của Mai Thị Nương, thả xuống sông cho mất tích. Mai Thị Nương anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê hương Giồng Riềng, từ ấy ngọn lửa đấu tranh của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào, của phụ nữ bùng lên mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, tên Võ Văn Sang cùng Đại đội bảo an địch phải đền tội trước mũi súng của nhân dân Giồng Riềng và Tiểu đoàn 207 của ta. Cũng từ đó, mở ra một khí thế cách mạng mới cho nhân dân cả vùng. Mai Thị Nương được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 10/12/1994.
Để tưởng nhớ chị, năm 2005 tại thị trấn Giồng Riềng đã dựng 01 bia tưởng niệm ghi công. Di tích lịch sử – văn hóa Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Mai Thị Nương được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2006, có diện tích 559m2, trong đó phần xây dựng nhà bia là 162m2. Ở giữa nhà bia xây dựng một bia tưởng niệm cao 1,8m, rộng 2,4m được ốp đá garnit. Trên bia có bức tượng bán thân của Mai Thị Nương. Trong di tích lưu giữ di ảnh của Mai Thị Nương và một số trang phục, đồ dùng của chị. Di tích là nơi lưu niệm tôn vinh sự hy sinh anh dũng và tinh thần kiên trung, bất khuất của Anh hùng liệt sĩ Mai Thị Nương. Là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần bồi dắp tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.
Kể từ năm 2013, tại Khu di tích lịch sử Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ – Anh hùng LLVTND Mai Thị Nương, chính quyền và nhân dân huyện Giồng Riềng đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày hy sinh của Anh hùng LLVTND Mai Thị Nương vào ngày 12/10 hằng năm. Tuy mới được hình thành những năm gần đây nhưng lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn lượt người dân địa phương và khách du lịch đến tham dự. Thông qua các hoạt động tại lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đặc biệt nữ Anh hùng LLVTND Mai Thị Nương là tấm gương tiêu biểu của huyện Giồng Riềng. Qua đó, giáo dục cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Từ đó, ra sức lao động, học tập, làm việc và cống hiến, góp phần xây dựng quê hương Giồng Riềng ngày càng giàu đẹp
Sưu tầm