THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Cập nhật lúc: 16/11/2022
KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
   KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

     Như Usinki đã từng nói : “ Muốn giáo dục con người thì phải hiểu con người về mọi mặt”. Quả thật như vậy một giáo viên  làm công tác chủ nhiệm, quản lý một lớp học với  45 học sinh quả là không dễ dàng, muốn được số học sinh đó đều trở thành học sinh ngoan, kết quả học tập tốt lại càng không dễ. Năm học nào cũng vậy, lớp học nào cũng vậy, thầy cô chủ nhiệm là những người luôn đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách và mong muốn duy nhất là làm thế nào cho học sinh mình thành đạt, sự nghiệp trồng người là tiếng vang suốt cuộc đời đối với các thầy giáo, cô giáo, làm tốt được học sinh nhớ, lỡ làm điều gì sai thì học sinh cũng không quên…

Chính vì những điều đó mà những người thầy đang phục vụ trong ngành giáo dục phải ra sức nghiên cứu học tập hơn nữa, làm thế nào để sản phẩm của mình tạo ra sẽ có ích cho xã hội. Thầy cô làm công tác chủ nhiệm, xem lớp chủ nhiệm như là một mái ấm gia đình thì sẽ cảm thấy có được niềm vui trong công tác. Tuy nhiên thầy cô cũng đừng tập trung nhiều vào đối tượng học sinh cá biệt mà hãy nghĩ đến cả một tập thể với tình yêu thương nghề nghiệp thì nhất định sẽ thành công.

- Để làm được điều đó bản thân tôi không ngừng ra sức phấn đấu luôn đặt chũ tâm lên hàng đầu có tầm nhìn bao dung, có nghệ thuật giáo dục phù hợp, ngoài việc phối hợp với gia đình để quản lí học sinh ở nhà, GVCN cần phải giáo dục nhân cách cho các em ngay khi đến lớp.

- Hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện kỉ năng sống, hạn chế học sinh bỏ học, theo tôi mỗi thầy cô giáo nhất là đội ngũ thầy cô làm công tác chủ nhiệm cần thực hiện một số biện pháp sau đây:

      Một là phải tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình học sinh

  Mỗi học sinh trong lớp được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khác nhau, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần, quan hệ giữa gia đình với bà con hàng  xóm láng giềng…Tất cả các điều kiện trên đều có khả năng ảnh hưởng đến các em.

Bởi vậy, việc tìm hiểu nắm vững gia phong, gia cảnh, hoàn cảnh sống của từng học sinh là hết sức cần thiết, nó giúp cho GVCN biết được nguyên nhân và những yếu tố tích cực hoặc tiêu cực, đồng thời phải biết thêm về phương pháp giáo dục của gia đình để có thể tham mưu tư vấn, phối hợp với gia đình để lựa chọn phương pháp tác động phù hợp.

      Hai là nắm về đặc điểm  thể chất, sinh lý, tâm lý của học sinh

  Ngay từ đầu năm học GVCN phải nắm được tình hình thể chất, sinh lý của học sinh, về thể lực, sức khỏe, vóc dáng… Nắm được đặt điểm này GVCN hướng sự quan tâm của cả lớp tới việc giúp những em khỏe phát huy mặt mạnh, đảm nhận những công việc nặng nhọc, giúp đỡ những bạn ốm đau bệnh tật, đồng thời hướng sự quan tâm thông cảm giúp đỡ của cả lớp tới những bạn có thể trạng không bình thường, ưu tiên bạn kém mắt, kém tai ngồi ở vị trí thuận lợi nhất để học tập có kết quả, tổ chức nhiều buổi vui chơi, họp lớp tập thể, để các em thông cảm gần gũi, giúp các bạn hòa nhập, nhằm hạn chế và xóa bỏ mặc cảm về khuyết tật của mình, cùng nhau phấn đấu tiến tới mục tiêu chung trong tình cảm đoàn kết thân ái của tập thể lớp.

      Ba là GVCN phải nắm vững tính cách và những hành vi đạo đức của từng học sinh.

  Tính cách hành vi đạo đức của các em thể hiện ở tính chăm học hay lười học, khiêm tốn hay ba hoa, trung trực hay giả dối, mạnh dạn hay nhút nhát, nhân hậu vị tha hay ích kỉ với bạn bè, có tính tự lập hay ỷ lại dựa dẫm vào người khác, biết tự trọng, có ý thức xây dựng bảo vệ danh dự bản thân và tập thể hay là vô tổ chức kỷ luật. Đặc biệt GVCN cần phải quan tâm đến thái độ ứng xử của học sinh đối với các thành viên trong gia đình, đối với thầy cô giáo hay bạn bè, đúng hay không đúng với chuẩn mực của xã hội và tìm hiểu ở mỗi em có năng khiếu hay sở thích gì?..

   Nắm vững được những đặc điểm này GVCN sẽ lựa chọn được những biện pháp tác động sư phạm phù hợp nhằm khơi dậy và phát huy được những mặt mạnh sẵn có. Đồng thời hình thành phát triển những phẩm chất cần thiết ở mỗi em, xây dựng cho các em một cuộc sống tâm hồn, tình cảm phong phú trong sáng, cao cả và nhân hậu, có năng lực và sức khỏe dồi dào, thích ứng với cuộc sống tự lập của bản thân, đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.

   Bốn là GVCN cần thường xuyên tham gia sinh hoạt 15 phút đầu giờ cùng với học sinh.

     GVCN đóng vai trò hết sức quan trong trọng việc rèn luyện, giáo dục học sinh, nên trong các buổi 15 phút đầu giờ GVCN phải thường xuyên đến lớp để theo dõi tình hình, kịp thời xử lí những vụ việc mới phát sinh đồng thời kịp thời uốn nắn nhắc nhở và ngăn chặn những hành vi sai trái của các em, tránh trường hợp để đến cuối tuần mới xử lí coi như đã muộn.

   Năm là GVCN phải có chuẩn mực đạo đức và tác phong sư phạm tốt

  Tác phong sư phạm của  người thầy là rất cần thiết  để giáo dục học sinh từ cử chỉ, hành động, lời nói, đầu tóc, trang phục, lên lớp đúng giờ….. những gì nói với học sinh thì phải thực hiện bằng được tránh tình trạng dễ dãi qua loa, phải xử lý học sinh đúng quy định đã đặt ra, dù cho học sinh đó vô tình hay cố ý vi phạm. Từ đó giúp học sinh học hỏi được phong cách, tác phong trước tiên từ người GVCN lớp, làm các em càng kính trọng hơn..

    Sáu là thường xuyên tiếp xúc với cha mẹ học sinh

    Trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm GVCN phải cố gắng nắm được số điện thoại liên lạc của gia đình, đây là điều kiện thuận lợi giúp GVCN trao đổi gián tiếp với cha mẹ học sinh khi cần thiết. Ngoài ra GVCN cần phải tiếp xúc riêng để trao đổi thông tin với cha mẹ của những học sinh cá biệt, đây là điều rất cần thiết, không thể thiếu đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm. Thông qua công việc này giúp giáo viên biết được các thói quen, sở thích, thái độ của học sinh thường biểu hiện ở gia đình. Qua đó giúp cha mẹ học sinh biết được tình hình học tập, những dấu hiệu sa sút của các em đồng thời giúp cha mẹ học sinh thấy được sự quan tâm của nhà trường đối với gia đình, từ đó tạo được niềm tin đối với phụ huynh trong việc giáo dục con cái của họ. Mối quan hệ có tác động hai chiều này nhằm hạn chế bớt mặc cảm, tự ti ở các em, giúp các em giảm bớt tâm lý lo sợ khi tiếp xúc với GVCN.

    Bảy là tìm hiểu mối quan hệ bè bạn của học sinh

 GVCN nên cần tìm hiểu thêm về mối quan hệ bè bạn của học sinh đó, để biết những đối tượng mà học sinh này đang chơi chung họ như thế nào. Có thể GVCN tìm hiểu thông qua lớp trưởng, các học sinh khác trong lớp, thông qua phiếu khảo sát… Có những học sinh ít giao tiếp với bạn bè chỉ thích chơi game mà học tập giảm sút, nên khuyến khích các học sinh khác trong lớp thường xuyên tiếp xúc để có biện pháp giúp đỡ bạn, giúp các em sống trong môi trường đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong bất kỳ trường hợp nào. GVCN có thể giáo dục các em bằng cách nêu gương, điển hình giúp các em tự nhận thấy những khuyết điểm của mình để từng bước sửa chữa. GVCN nên gặp riêng từng học sinh để trao đổi, giải thích cho các em hiểu những sai trái của mình để các em có hướng khắc phục, không nên làm các em cảm thấy mặc cảm trước lớp.

   Tám là cần tạo ra sự gần gũi, quan tâm với học sinh

Tạo mối quan hệ gần gũi là thể hiện sự quan tâm đối với các em, nhưng người thầy vẫn luôn giữ chuẩn mực, nghiêm khắc. Tiếp xúc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, nhằm để động viên, khích lệ tạo cho các em có được chỗ dựa tinh thần vững chắc. Để các em thấy sự quan tâm của người thầy như người cha, người mẹ của các em luôn dìu dắt, nâng đỡ các em khi vấp phải những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Khi học sinh nghỉ học, dù có phép hay không phép, dù bất cứ lý do gì những buổi học sau phải tiếp xúc để thăm hỏi các em, đôi khi cũng có những lý do khá đặc biệt người thầy có thể chia sẽ với các em, làm cho các em cảm thấy vui hơn khi được thầy cô quan tâm đến mình, từ đó những biểu hiện cá biệt dần dần biến mất.

   Chín là GVCN thường xuyên phối hợp với các lượng lượng trong nhà trường .

Để giáo dục được những học sinh cá biệt, bản thân của mỗi GVCN cần phải biết phối hợp kịp thời, linh hoạt với các bộ phận trong nhà trường như phối hợp với Ban giám hiệu, Đoàn trường, giáo viên bộ môn….., thông qua đó giáo viên chủ nhiệm có thể theo dõi thái độ, hành vi đạo đức, tác phong chuẩn mực và tính chuyên cần trong học tập của các em ở từng môn học để có hướng bồi dưỡng, rèn luyện thêm cho các em về kiến thức.

   Mười là thường xuyên giao nhiệm vụ cho học sinh cá biệt và rèn luyện các em tính trung thực

Thường GVCN không giao nhiệm vụ cho những học sinh cá biệt, vì cho rằng những học sinh này sẽ không làm được gì, coi thường các em mà chỉ luôn la gầy, nêu tên là chính. Điều đó dễ dàng làm cho các em chán nản và đi đến bỏ học.

Cho nên đối với những đối tượng này, GVCN nên tạo cho các em một cơ hội để các em thấy được vai trò của mình trong tập thể, đồng thời phát huy tính làm chủ của các em và nhận thấy rằng mình không bị lạc lỏng, không bị bỏ rơi. Như tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, tham gia làm báo tường, cắm trại nhân các ngày lễ hội của trường tổ chức…Khi hoàn thành nhiệm vụ GVCN phải đánh giá kết quả bằng cách nêu gương trước tập thể lớp.

 

                                                                                                              Trần Dư

 


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn