THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
Học để làm gì?
Cập nhật lúc: 02/02/2017
Viết cho em, cho những người đang còn được đến trường…

Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải vào rừng sâu kiếm củi sống qua ngày. Cậu bé sớm nhận ra rằng chỉ có học tập, thành tài mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Vì vậy, cậu không ngừng đọc sách, kể cả lúc vai gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn, cậu cố học nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì cậu đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học. Tuy gian khổ, nhưng cậu không hề nản chí. Với nghị lực phi thường, cộng với trí thông minh trác việt, nên chẳng bao lâu cậu đã nổi tiếng là thần đồng. Sau này, cậu bé đốn củi ngày nào trở thành lưỡng quốc trạng nguyên (trạng nguyên của hai nước).

Còn đây là câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký- người thầy dùng chân để viết. Khi lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, thầy giáo Ký bị liệt hẳn 2 tay. Từ đó, ngày nào ông cũng nhìn đôi tay mềm nhũn của mình mà khóc. Bố, mẹ nhìn thấy cũng nghẹn ngào khóc theo: "Mai sau bố mẹ chết đi, con biết làm gì mà sống". Ông kể: "Năm lên 7 tuổi thấy các bạn đến trường, tôi cũng lân la nhìn vào lớp học. Thấy vậy, cô giáo cho tôi học một buổi, rồi dẫn tôi về nhà nói với bố mẹ: Em nó bị liệt 2 tay làm sao viết được mà học, hai bác giữ em ở nhà để các bạn trong lớp tập trung học. Bố mẹ và các chị tôi lúc đó chỉ biết an ủi tôi. Thời đó, cả nhà tôi không ai biết chữ nên chẳng ai dạy cho tôi. Ở nhà, tôi cứ lang thang ra vườn, thấy chim tha mồi bằng mỏ, tôi bèn bắt chước tập viết bằng miệng, nhưng không được. Thấy gà bới rác ở vườn, tôi lấy chân quặp viên gạch tập viết. Nhiều lần mẹ tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy con mình mồ hôi nhễ nhại đánh vật với các chữ viết đầy sân. Tôi bắt đầu tập viết chữ O, chữ V, rồi tôi tiếp tục kẹp bút viết lên tập. Thế là một hôm, vì nể gia đình nên cô giáo cho tôi vào lớp học, nhưng cô không tin rằng tôi viết được". Khó khăn thế, nhưng ông miệt mài tập viết ngày đêm. Cuối cùng ông cũng kẹp thước, compa vẽ hình tròn, hình vuông. Việc gì trong nhà ông cũng đều làm bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Năm 1962, ông được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, ông được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc. Năm ấy, ông xuất sắc đứng thứ 5 và một lần nữa được Bác Hồ tặng huy hiệu cao quý lần hai. Trong 4 năm học đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, ông vẫn miệt mài đèn sách. Ông quan niệm: "Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở". Vì thế, ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn miệt mài học tập. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam, nhan đề: "Những năm tháng không quên".

Chương trình Cặp lá yêu thương phát sóng ngày 07/7/2016 lại kể cho chúng ta về ước mơ của bạn Giàng Seo Hồng, 16 tuổi, ở huyện vùng cao Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai. Bố mất khi còn nhỏ, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, em trai bỏ đi lang thang, Giàng Seo Hồng đến sống với nhà bác gái. Hiểu được hoàn cảnh của mình, Hồng tự biết cách học làm việc nhà, chăn trâu, cày bừa, làm nương, làm rẫy phụ giúp gia đình bác, vừa đi học. Gần 9 năm nay em đều là học sinh khá giỏi của trường, Hồng nói nếu có khó khăn phải cố gắng để vượt qua vì không có gì là không thể. Hồng tâm sự: “Em rất thích được đi học, vì đi học biết được nhiều thứ, biết được chữ, sẽ kiếm được tiền để thay đổi cuộc sống của em và gia đình. Mỗi lần khó khăn, không có tiền ăn học, lúc ấy chán chỉ muốn bỏ đi lang thang. Em sợ nghỉ học, vì sợ các bạn đi học biết nhiều, còn mình thì biết ít, không bằng các bạn. Ước mơ của em chỉ đơn giản là được đi học cùng các bạn, như vậy là em thấy vui rồi, chứ không như các bạn ước mơ sâu xa hơn mình.”

Các em thấy đấy, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều có cùng một điểm chung là không vì những khó khăn trong cuộc sống mà từ bỏ việc học. Bởi họ tìm thấy niềm vui trong học tập, hạnh phúc vì được học và luôn tin tưởng việc học sẽ mang lại tương lai tươi sáng cho cuộc đời mình.

Có một tác giả cho rằng với việc học, có ba câu hỏi tối quan trọng cần phải trả lời: “Học cái gì?”, “Học thế nào” và “Học để làm gì?”. Trong đó, có lẽ câu hỏi cuối cùng là quan trọng nhất. Nhưng chắc hẳn không nhiều người trong chúng ta tự hỏi điều đó.

Thuở còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta cảm thấy việc đi học là một lẽ đương nhiên, vì ai cũng đi học, vì ba mẹ bảo học, không học thì cũng không biết làm gì. Suốt nhiều năm tháng học hành vất vả, cô cũng chưa từng thắc mắc về việc tại sao mình phải học. Đơn giản chỉ là một ngày đẹp trời, mẹ dắt tay đến trường, vậy là học thôi!

Càng lớn lên, suy nghĩ của mỗi người về việc học càng khác nhau. Với người này, học là để hiểu biết, để khẳng định mình; với người khác thì học là để sau này tìm được việc làm phù hợp, chăm lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, là để có được địa vị trong xã hội; một số khác học với mong muốn được dùng kiến thức của mình cống hiến cho xã hội. Bên cạnh đó, không ít người trong chúng ta vẫn mãi loay hoay tìm câu trả lời, cho dù đã là sinh viên đại học!

Học hành, đương nhiên là vất vả. Cho nên, nếu không tìm thấy ý nghĩa của việc học đối với bản thân mình, không biết học để làm gì thì em sẽ dễ dàng nản chí khi gặp bài tập khó, buông xuôi khi bị điểm kém, thỏa hiệp với sự lười biếng của bản thân trong học tập, dễ nghĩ đến việc bỏ học khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn… Tầm quan trọng của câu hỏi “Học để làm gì” là ở đó. Bởi vậy mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng đã đưa ra câu trả lời, rằng: Học để biết, học để làm, học khẳng định mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).   

          Cô thì cho rằng, học là để sống hạnh phúc hơn. Ngoài gia đình, thì có lẽ không nơi đâu cho em cảm giác được yêu thương hơn nơi được gọi là trường học. Tình thầy trò, tình cảm bạn bè là những tình cảm nuôi dưỡng tâm hồn, dạy em cách yêu thương, bao dung với người khác. Trường học là nơi em được học những bài học về cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất. Ở đó, em học đức tính trung thực, cần cù, tinh thần vượt khó, ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng sống trong tập thể,… Những hiểu biết về cuộc sống, kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sẽ giúp em làm chủ cuộc sống.

Trường học như một xã hội thu nhỏ mà ở đó có đủ những tính cách khác nhau. Ở đó, em học cách thể hiện quan điểm, cá tính của bản thân trong mối liên kết hài hòa với xung quanh. Mỗi bài học trên lớp đều mang lại cho em nhận thức chính xác và đầy đủ hơn về thế giới chúng ta đang sống. Lúc em bị điểm thấp, chính là lúc em học cách đối diện với những thất bại từ những điều nhỏ nhất, học cách vượt qua và cố gắng để đạt được kết quả tốt hơn. Mỗi khi em cố gắng vượt qua sự ham chơi, lười biếng để hoàn thành bài tập về nhà, là em đã rèn luyện cho mình sự tập trung trong công việc, đức tính cần cù và bản lĩnh vượt qua những điều gây cản trở thành công trong tương lai. Mỗi một tác phẩm văn học lại cho em thêm những sắc màu của cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần và tình cảm. Cuộc sống cũng vì thể mà trở nên lãng mạn, đáng yêu hơn, nhỉ. Đi học, có nghĩa là em được trao cơ hội để thử sức mình trong nhiều lĩnh vực để tìm ra được năng khiếu, thế mạnh hoặc sở thích của bản thân. Có thể em không giỏi tính toán nhưng lại phát hiện mình có khiếu văn chương. Hoặc em sẽ chẳng thể biết mình có thể trở thành vận động viên nhảy cao nếu không nhờ các tiết học thể dục. Những bài học lý thú về lịch sử, địa lý cũng có khả năng sẽ khiến em muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch hoặc tiếp viên hàng không để được đi đó đây chẳng hạn. Hay biết đâu, thấy một cô giáo dạy Hóa quá dễ thương, em lại muốn trở thành một giáo viên, ai mà biết được!

          Em yêu quý, đôi khi em cảm thấy việc học thật khó khăn, áp lực. Thì em, hãy nhìn ra ngoài kia, vẫn còn ai đó vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường, vẫn còn đâu đó những ước mơ đơn sơ như của cậu bạn Giàng Seo Hồng, ước mơ được đi học. Để em thấy rằng, được đi học là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Và hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì”, để có thêm động lực cố gắng trong học tập, để cảm nhận niềm vui trong mỗi ngày đến trường./. 

Nguyễn Thị Việt Tú

 

 

 

 


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn