THƯ VIỆN ẢNH

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong ngày
QUÊ HƯƠNG GIỒNG RIỀNG: TÌM HIỂU LỊCH SỬ – LIỆT SĨ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN MAI THỊ NƯƠNG
Cập nhật lúc: 02/10/2021
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có những người con ưu tú của quê hương đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, họ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bông hoa đẹp trong rừng hoa cách mạng Việt Nam. Mai Thị Nương (Mai Thị Hồng Hạnh) người chiến sỹ trung kiên bất khuất của đất Giồng Riềng, người con gái rạng ngời sức sống đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20. Trốn gia đình theo cách mạng làm giao liên
 Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, có những người con ưu tú của quê hương đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, họ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bông hoa đẹp trong rừng hoa cách mạng Việt Nam. Mai Thị Nương (Mai Thị Hồng Hạnh) người chiến sỹ trung kiên bất khuất của đất Giồng Riềng, người con gái rạng ngời sức sống đã anh dũng hy sinh ở tuổi 20.

Trốn gia đình theo cách mạng làm giao liên

 

Mai Thị Hồng Hạnh, tên thật là Mai Thị Nương, sinh năm 1940, tại xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Trưởng thành trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tuổi thơ đã chứng kiến biết bao cảnh ly tan, mất mát, đau thương của chiến tranh, chứng kiến cảnh đàn áp dã man của kẻ thù. Với lòng yêu nước, căm thù giặc thôi thúc quyết liệt, Mai Thị Nương quyết tham gia cách mạng, đấu tranh giải phóng quê hương mình. Bắt đầu hoạt động từ năm 17 tuổi và không lâu sau đó trở thành giao liên…

Được đồng chí Nguyễn Văn Bớt (4 Thắng) giao nhiệm vụ làm đội viên quân báo nắm tình hình của địch, báo cho cán bộ và cơ sở cách mạng kịp thời đối phó với địch. Sau đó được đồng chí Nguyễn Thành Thép - Phó Bí thư Huyện ủy giao nhiệm vụ canh gác cho cán bộ hội họp, đưa thư, tài liệu.

Tháng 01 năm 1957 Hồng Hạnh bắt đầu làm công tác giao liên lấy biệt danh là Hồng Hạnh. Lúc đầu cha mẹ ngăn cản vì Hồng Hạnh còn nhỏ, không biết có thể đảm đương được nhiệm vụ không, nên chị lén cha mẹ đi công tác. Hàng đêm đợi cả nhà yên giấc ngủ, Hồng Hạnh nhẹ nhàng thức dậy lấy mền phủ lên chiếc gối dài giả như đang nằm ngủ rồi lần xuống bến lấy xuồng một mình xuôi ngược trên dòng sông Cái Bé, đêm gặp phải giông gió hoặc đụng  biệt kích, Hồng Hạnh bình tĩnh khôn khéo nhiều lần vượt qua lưới giặc an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 6 năm 1958 Hồng Hạnh vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, tổ chức phân công Hồng Hạnh vận động và chịu trách nhiệm tổ chức một đội vũ trang diệt ác bí mật ở ấp Cò Tuất (là tiền thân đội du kích xã Thạnh Hòa) đồng chí trực tiếp phụ trách Đội trưởng đội diệt ác.

Hồng Hạnh tổ chức cho bà con ấp Cò Tuất và một số ấp lân cận kéo lên quận lỵ Kiên Bình (nay là huyện Giồng Riềng) đấu tranh đòi địch bồi thường tính mạng, tài sản cho những gia đình có người thân bị chết và hư hao tài sản do địch bắn phá bừa bãi. Trong các đợt đấu tranh Hồng Hạnh luôn bám sát quần chúng hướng dẫn bà con dùng lời lẽ có lý, có tình buộc bọn địch phải đáp ứng yêu cầu của nhân dân, qua đó đồng chí càng được quần chúng tin yêu cảm mến.

Đầu năm 1959 trên đường đi công tác từ ấp Thạnh Bình qua sóc Mò Om về kinh Cai Chương, Hồng Hạnh bị địch phục kích bắt được, chúng đem chị về quận lỵ để điều tra, chị rất khôn khéo một mực khai là do gia đình ép gả lấy chồng nên phải trốn nhà ra đi. Do không có cơ sở gì làm tang chứng, với thái độ bình tĩnh cứng cỏi trước, sau như một nên bọn địch phải thả chị.

Sau lần bị bắt đó tổ chức quyết định rút Hồng Hạnh vào hoạt động bí mật, Hồng Hạnh được phân công trực tiếp phụ trách đội vũ trang diệt ác, kiêm Bí thư Chi đoàn xã Thạnh Hòa. Với cương vị mới đồng chí càng tích cực công tác để đáp lại niềm tin của Đảng.

Thực hiện chủ trương của Chi bộ, Hồng Hạnh đã tổ chức đội vũ trang diệt ác “om hệ bắt bè” nghĩa là dụ một tên tể điệp ác ôn cho ăn nhậu rồi bắt cóc, hỏi tội, tên nào có nhiều nợ máu thì phải đền tội, còn lại thì giáo dục, răn đe rồi thả, từ đó bọn này cũng bớt hung hăng càn quấy, lộng hành.

Hy sinh quên mình vì đồng đội

Tháng 9 năm 1960 Hồng Hạnh cùng đội vũ trang họp bàn kế hoạch tổ chức diệt ác thì bị bọn biệt kích của tên ác ôn khét tiếng Võ Văn Sang, đại úy, Chỉ huy Đại đội trưởng Đội biệt kích Chi khu quận Kiên Bình (Giồng Riềng), bí mật bao vây và bất ngờ ập vào địa điểm cuộc họp. Hồng Hạnh cùng đội vũ trang đánh trả quyết liệt bằng lựu đạn và vũ khí thô sơ làm hai tên địch bị thương, thấy tình thế không thể chống trả nổi với lực lượng đông đảo của địch, Hồng Hạnh ra lệnh cho đội vũ trang rút lui còn Hồng Hạnh chạy ra đồng nhằm đánh lạc hướng bọn lính, từ đó đội vũ trang rút lui an toàn. Cuối cùng đồng chí bị địch bắt sống.

Chúng đem đồng chí về Chi khu Kiên Bình giam trong hầm tối, tiến hành tra khảo, lúc đầu chúng dở trò dụ dỗ, lừa phỉnh thấy Hồng Hạnh trơ trơ chúng càng tức giận đánh đập, hành hạ với nhiều trò dã man như đổ nước xà bông, kẹp điện vào đầu, treo lên máy bay… Hồng Hạnh chết đi sống lại nhiều lần, cả tháng trời bị hành hạ tra tấn dã man nhưng bọn chúng không khai thác được gì trước sự gan dạ của chị. Một hôm chúng căng tay, chân chị rồi đóng cột xuống nền nhà, đặt chảo mỡ bên cạnh để áp đảo tinh thần và tra khảo. Tên Sang ác ôn hầm hừ nói “lần này không khai tao ăn thịt mày” (tên Sang và đồng bọn thường moi gan mổ mật và ăn thịt người) Hồng Hạnh vẫn tỉnh táo trả lời “tao làm cách mạng để phục vụ nhân dân và Tổ quốc, tao chẳng may sa vào tay bọn bay nhưng bọn bay đừng hý hửng mong tao khai một điều gì”. Tên ác ôn Sang cay cú lồng lộn như một con thú dữ, giựt dao nhảy tới thẻo bắp tay, lỗ tai, bắp đùi quăng vào chảo mỡ rồi chúng ăn nhậu với nhau. Hồng Hạnh không ngớt lời mắng chửi bọn chúng rồi ngất đi, lúc tỉnh lại đồng chí nói thẳng vào mặt bọn chúng “tao chết đi sẽ có hàng trăm hàng ngàn người khác đứng lên tiêu diệt bọn bây” và hô to khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng lao động Việt Nam muôn năm” . Tên Sang nhảy tới đâm Hồng Hạnh và bọn chúng mổ bụng sống để lấy gan, mật, phút cuối Hồng Hạnh còn gắng gượng phun nước miếng vào mặt bọn ác ôn, khát máu. Sự anh dũng, ý chí sắt đá của người đảng viên Đảng cộng sản Hồng Hạnh làm cho bọn ác ôn phải khiếp sợ và kính phục. Tin Hồng Hạnh hy sinh mau chóng được loan truyền trong nhân dân, cả các vùng lân cận, đồng chí, đồng bào vô cùng xúc động, tiếc thương và kính phục trước một người con trung hiếu, một đảng viên trung kiên tiết liệt dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng kiên quyết bảo vệ các đồng chí, bảo vệ cách mạng đến hơi thở cuối cùng.

Trước sự hy sinh anh dũng của Hồng Hạnh, các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng mở đợt sinh hoạt hoạt chính trị học tập gương huy sinh dũng cảm kiên cường của Hồng Hạnh, đã dấy lên một khí thế quyết tâm giết giặc trả thù. Sau đó không lâu cuộc nổi dậy của quân dân huyện Giồng Riềng cùng tiểu đoàn 207 đánh tiêu diệt gọn đại đội biệt kích do tên ác ôn Võ Văn Sang cầm đầu, mở ra một khí thế cách mạng của nhân dân cả vùng.

Chị Mai Thị Hồng Hạnh xứng đáng là biểu tượng anh hùng cách mạng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng. Chị được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vụ trang nhân dân năm 1994, năm 2005 Sở VHTTDL Kiên Giang xây dựng Nhà bia tưởng niệm, tọa lạc tại khu vực nội trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng và được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2006.

       Bài: Trần Nang

      Bài viết có tham khảo tài liệu lịch sử của Đảng bộ huyện Giồng Riềng.

                                                                                                   

                                                                                                       SƯU TẦM:


           
CÁC TIN KHÁC:

TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG  GIỒNG RIỀNG
Thị trấn Giồng Riềng - Huyện Giồng Riềng - Tỉnh Kiên Giang
 Website: www.c3giongrieng.edu.vn - Email: c3giongrieng.kiengiang@moet.edu.vn